Chỉ khám phá thành phố? Hãy để chúng tôi gợi ý cho bạn điều gì đó hấp dẫn và đang diễn ra!

Khám phá - Trải nghiệm

Đến với các địa điểm du lịch ở Phú Thọ để được trải nghiệm nét văn hóa độc đáo với nhiều di chỉ khảo cổ, di tích lịch sử, lễ hội dân gian...

Sắc màu Lễ hội - Sự kiện

Khám phá trọn vẹn Phú Thọ, chúng tôi đã đặc biệt tạo ra những chuyến tham quan phù hợp với bạn, chương trình trong ngày hoặc 2 ngày

Tin tức

Khám phá trọn vẹn Phú Thọ, chúng tôi đã đặc biệt tạo ra những chuyến tham quan phù hợp với bạn, chương trình trong ngày hoặc 2 ngày

Lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; các điểm du lịch cấp tỉnh và Ngày hội văn hóa, thể thao huyện Tân Sơn năm 2024

Lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; các điểm du lịch cấp tỉnh và Ngày hội văn hóa, thể thao huyện Tân Sơn năm 2024

Sáng 18/11/2024, tại bản Dù, xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, Ủy ban nhân dân huyện Tân Sơn long trọng tổ chức Lễ đón nhận quyết định công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đối với “Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Mường xã Kim Thượng, xã Xuân Đài; công nhận các điểm du lịch cấp tỉnh và khai mạc ngày hội văn hóa, thể thao huyện Tân Sơn năm 2024. Dự buổi lễ có đồng chí Vi Mạnh Hùng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Đắc Thủy – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đại biểu các sở, ban, ngành của tỉnh; Hiệp hội du lịch tỉnh; đại biểu huyện Tân Sơn, các huyện bạn Thanh Sơn, Yên Lập; đại biểu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; các cơ quan báo chí, truyền thông; cùng toàn thể nhân dân và du khách trong và ngoài tỉnh. Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Vi Mạnh Hùng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ghi nhận và biểu dương những cố gắng của ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch; sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền huyện Tân Sơn, xã Xuân Đài, Kim Thượng, Xuân Sơn, Vườn Quốc gia Xuân Sơn, các sở, ngành có liên quan của tỉnh. Đồng thời, bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Di sản văn hóa và các bộ, ngành liên quan đã tạo tạo điều kiện và quan tâm đến tỉnh Phú Thọ trong việc quyết định đưa di sản văn hóa Nghề thủ công truyền thống - nghề dệt thổ cẩm của người Mường xã Xuân Đài, xã Kim Thượng vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, qua đó, góp phần to lớn vào công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của huyện Tân Sơn. Sự kiện Lễ đón nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, các điểm du lịch cấp tỉnh và Ngày hội văn hóa, thể thao huyện Tân Sơn năm 2024 vừa là niềm vinh dự, tự hào, đồng thời cũng đặt ra yêu cầu cao về trách nhiệm đối với các cấp, ngành của tỉnh, huyện Tân Sơn và các thế hệ nghệ nhân, cộng đồng các dân tộc anh em trên địa bàn huyện Tân Sơn trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản. Để tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tiềm năng du lịch trên địa bàn huyện Tân Sơn, góp phần thiết thực trong việc phát triển kinh tế - xã hội, đồng chí Vi Mạnh Hùng đề nghị chính quyền và nhân dân huyện Tân Sơn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các đơn vị có liên quan triển khai nghiêm túc, hiệu quả các hoạt động gìn giữ, bảo vệ và phát huy di sản bằng tâm huyết, tấm lòng, niềm tự hào, nội lực, để các giá trị di sản văn hóa ngày càng lan tỏa mạnh mẽ, rộng rãi hơn nữa trong cộng đồng. Tham dự sự kiện nhân dân và du khách sẽ được tham quan, trải nghiệm không gian văn hóa rực rỡ sắc màu, thăm các gian hàng quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của huyện, từ đó thêm hiểu, thêm yêu quê hương, con người Tân Sơn; được tham gia thi đấu trải nghiệm các trò chơi dân gian, các môn thể thao truyền thống độc đáo, sôi nổi như: bắn nỏ, kéo co nam nữ, đẩy gậy, tung còn...; được trải nghiệm khám phá các điểm du lịch sinh thái cộng đồng hấp dẫn; được hòa mình trong những tiết mục diễn xướng dân gian, những câu ví, câu rang, tiếng đuống, tiếng chiêng, tiếng khèn đặc sắc, say đắm lòng người tại Liên hoan nghệ thuật quần chúng; được xem và cảm nhận những giá trị văn hóa tốt đẹp, nhân văn sâu sắc của Nghề Dệt thổ cẩm truyền thống - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia do chính các nghệ nhân là chủ thể di sản văn hóa trình diễn và thực hành. Chương trình sẽ diễn ra từ ngày 16/11 đến hết ngày 23/11/2024 tại bản Dù, xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn. Đây là dịp để nhân dân và du khách thập phương được giao lưu, trao đổi, giới thiệu những đặc trưng văn hóa các dân tộc thiểu số, tạo điều kiện cho đồng bào tham gia các hoạt động sáng tạo và hưởng thụ văn hóa, văn nghệ, thể thao, đáp ứng các tiêu chí văn hóa về nông thôn mới.     Một số hình ảnh: Bích Ngọc - Trung tâm TTXTDL
Du lịch cộng đồng góp phần giảm nghèo

Du lịch cộng đồng góp phần giảm nghèo

Thành phố Việt Trì hiện có 2 điểm du lịch văn hóa cộng đồng gồm: Điểm du lịch văn hóa cộng đồng Hùng Lô, xã Hùng Lô và điểm du lịch văn hóa cộng đồng Bạch Hạc, phường Bạch Hạc. Đây không chỉ là điểm nhấn quan trọng trong việc gìn giữ, phát huy các giá trị di sản văn hóa, phát triển du lịch mà còn tạo ra giá trị kinh tế, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo trên địa bàn thành phố. Du lịch cộng đồng có thể hiểu là mô hình du lịch mà cộng đồng dân cư là chủ thể cung cấp các sản phẩm, dịch vụ cho du khách và được chia sẻ các nguồn lợi do du lịch mang lại. Thông qua các hoạt động phục vụ du khách đến tham quan như: Lưu trú, ăn uống, trải nghiệm văn hóa bản địa..., du lịch cộng đồng đang là sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của du khách. Du khách tham quan tại đình cổ Hùng Lô. Nép mình bên dòng sông Lô trù phú, sở hữu không gian làng quê yên bình với ngôi đình cổ có tuổi đời hơn 300 năm và gần 50 ngôi nhà cổ từ hàng trăm đến vài trăm năm là điểm nhấn quan trọng trong bản đồ du lịch tại điểm du lịch cộng đồng Hùng Lô. Không chỉ vậy, đến Hùng Lô du khách còn được đắm mình trong những câu Hát Xoan mượt mà, thắm đượm trữ tình, tham gia những công đoạn làm mỳ sợi, bánh chưng, bánh đa... tại làng nghề, hòa mình vào phiên chợ quê với những hình ảnh thân thương, quen thuộc mà không phải nơi nào cũng có. Đăc biệt, từ năm 2022, du lịch cộng đồng Hùng Lô được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh đã góp phần thúc đẩy tiềm năng du lịch, nâng cao giá trị kinh tế cho người dân. Chủ thể của nhóm sản phẩm OCOP du lịch cộng đồng Hùng Lô là Tổ hợp tác dịch vụ du lịch cộng đồng Hùng Lô với 17 thành viên tham gia, cung ứng các dịch vụ du lịch cộng đồng. Các thành viên tham gia vào tổ hợp tác, cung cấp dịch vụ du lịch đã cùng thống nhất để vận hành sản phẩm dịch vụ song song với sự quản lý của chính quyền, tạo ra giá trị kinh tế, tăng thu nhập cho các thành viên cũng như người dân địa phương. Đồng chí Lã Tiến Boong – Phó Chủ tịch UBND xã Hùng Lô cho biết: Từ đầu năm đến nay, điểm du lịch văn hóa cộng đồng Hùng Lô đón khoảng 111 đoàn khách trong đó có 90 đoàn nội địa với 4.489 lượt khách và 21 đoàn quốc tế với 348 lượt khách. Du lịch cộng đồng đã góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo tại địa phương. Hiện toàn xã chỉ còn 9 hộ nghèo, giảm 1 hộ so với năm 2023 và 3 hộ cận nghèo. Thời gian tới, chính quyền xã tiếp tục triển khai thực hiện dự án giảm nghèo bền vững, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện dự án hỗ trợ vay vốn cho các hộ nghèo đăng ký thoát nghèo. Du khách trải nghiệm giã bánh giày tại điểm du lịch cộng đồng Bạch Hạc. Không sở hữu những gian nhà cổ với tuổi đời hàng trăm năm hay không gian cổ kính Hát Xoan tại sân đình như Hùng Lô nhưng phường Bạch Hạc nơi “tam giang” hội tụ, vốn nức tiếng bởi phong cảnh sông nước hữu tình, hoạt động “trên bến dưới thuyền”, buôn bán, kinh doanh sầm uất, nhộn nhịp cùng với hệ thống các đền, chùa như: Chùa Đại Bi, đền Tam Giang cùng các lễ hội độc đáo, hấp dẫn, từ lâu đã trở thành điểm hẹn văn hóa tâm linh cho du khách thập phương và là điểm đầu tiên đón các đoàn khách quốc tế du lịch đường sông trong hành trình thăm quan trải nghiệm tại Phú Thọ. Với nhiều tiềm năng, lợi thế, phường Bạch Hạc được UBND tỉnh lựa chọn xây dựng thành điểm đến du lịch cộng đồng, văn hóa tâm linh và trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn. Từ khi đưa vào hoạt động đến nay điểm du lịch văn hóa cộng đồng Bạch Hạc đã có những bước phát triển nhanh, trở thành một trong những điểm du lịch trọng điểm, đặc sắc của thành phố và của tỉnh với các sản phẩm du lịch được khai thác là du lịch văn hóa tâm linh, du lịch danh thắng bao gồm: Tham quan quần thể kiến trúc đình, đền Tam Giang, chùa Đại Bi, tham quan danh thắng ngã ba Hạc, trải nghiệm các lễ hội truyền thống giã bánh giầy, đặc biệt là lễ hội bơi chải truyền thống trên Sông Lô, nghi lễ rước nước thiêng ngã ba sông. Với mục tiêu phát triển kinh tế theo hướng tích hợp đa giá trị và phát triển bền vững, phường Bạch Hạc đã khai thác triệt để những thế mạnh, tiềm năng sẵn có, chủ động huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển. Hàng năm, điểm du lịch cộng đồng Bạch Hạc đã thu hút hàng chục nghìn lượt du khách đến tham quan, đời sống của Nhân dân ngày càng được nâng cao, diện mạo đô thị ngày thêm khởi sắc, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,67%. Đền Tam Giang, chùa Đại Bi (nhìn từ trên cao) là điểm du lịch tâm linh của du khách trong nước và quốc tế. Để du lịch cộng đồng phát triển, thành phố Việt Trì đã tập trung huy động các nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm nhằm phát triển hạ tầng cơ sở phục vụ du lịch, bảo đảm cộng đồng dân cư có quyền tham gia và hưởng lợi từ hoạt động du lịch, khai thác hợp lý tài nguyên, cảnh quan du lịch theo nguyên tắc khai thác gắn với bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống. Du lịch cộng đồng đã góp phần đa dạng hóa các loại hình du lịch, sản phẩm du lịch dịch vụ, nâng cao thu nhập cũng như đời sống vật chất, tinh thần của người dân, thúc đẩy hoạt động du lịch thành phố Việt Trì phát triển và từng bước thực hiện mục tiêu xây dựng thành phố Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn các dân tộc Việt Nam. (Theo: baophutho.vn)