Về vùng đất cổ

27 Tháng 9, 2021 | Giới thiệu - Quảng bá

denhung bpt -1-

Đình Cổ Tích được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia từ năm 1993.

Từ trung tâm thành phố Việt Trì chỉ mất 15-20 phút chạy xe là chúng tôi đến với mảnh đất Hy Cương- đây là địa danh huyền thoại, nơi thờ tự các Vua Hùng. Đến đây, du khách sẽ tìm được những khoảnh khắc yên bình, cách xa sự ồn ào của phố thị và được hòa mình trong không gian xanh, cảnh sắc đồi núi thơ mộng mang những giá trị của văn hóa tâm linh.

Trong tiềm thức mỗi người Việt, dấu ấn sâu đậm nhất về Hy Cương đó là mảnh đất thiêng, trước có tên là làng Cả, sau đổi tên là làng Cổ Tích. Nơi có di tích lịch sử Đền Hùng, thờ tự các Vua Hùng và có rất nhiều di tích lịch sử khác như đình Cổ Tích, đình Lũng và một số hạng mục khác. Trong những năm qua, cùng với Khu Di tích lịch sử Đền Hùng và thành phố Việt Trì, xã Hy Cương đã làm tốt công tác bảo tồn, gìn giữ văn hóa dân tộc.

denhung bpt -3-

Một góc Hy Cương.

Với diện tích rộng lớn, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng có bốn ngôi đền, một ngôi chùa, một lăng và một số hạng mục kiến trúc, được xây dựng hài hòa với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ. Trong quần thể Khu di tích có Bảo tàng Hùng Vương, trưng bày về những hiện vật thời đại Hùng Vương, giúp đồng bào hiểu về quá trình hình thành, ra đời và phát triển của Nhà nước Văn Lang thời đại các Vua Hùng. Mỗi năm, di tích lịch sử Đền Hùng đón hàng triệu lượt du khách trong nước và nước ngoài đến thăm quan, dâng hương.

denhung bpt -2-

Một phần Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, nằm trên địa bàn xã Hy Cương.

Giữa bao hiện đại, hào nhoáng của sự phát triển phố thị, mái đình Cổ Tích vẫn hiện hữu trong mái ngói thâm nâu, vững chãi theo thời gian. Năm 1993, đình Cổ Tích, còn gọi là đình Cả, đình Trình, thuộc thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia. Đây cũng là một trong những ngôi đình có tiếng của các xã vùng ven Đền Hùng giữ được tục thờ cúng Hùng Vương. Đình còn là điểm xuất phát trong lễ rước kiệu chính lên đền Thượng vào ngày giỗ Tổ, giữ vai trò to lớn trong đời sống tâm linh của người dân nơi đây. Dẫn chúng tôi đi tham quan, đồng chí Trần Anh Xuân- Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã cho biết: “Là vùng đất cổ, cội nguồn dân tộc Việt Nam nên Đảng ủy - UBND xã luôn chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân gìn giữ văn hóa truyền thống thờ cúng, tri ân công đức Tổ tiên trong mỗi dịp lễ, Tết. Bên cạnh gìn giữ nét đẹp truyền thống văn hóa, xã tích cực tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân phát triển kinh tế, người dân luôn nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. 

Thôn Cổ Tích xa xưa và xã Hy Cương ngày nay đang từng ngày thay da đổi thịt. Ẩn mình dưới những vòm cây xanh mát, Hy Cương mang vẻ đẹp bình dị, an yên với những nét đặc trưng chân quê của vùng đồng bằng trung du Bắc bộ. Một Hy Cương làng lẫn trong phố, phố xen giữa làng nhưng vẫn giữ được nền nếp ông cha xưa với những phong tục thuần hậu, nét sinh hoạt văn hóa lành mạnh. Phong cách sống, lối ứng xử hòa nhã, ấm áp đặc trưng của người dân địa phương, tạo cho du khách thập phương đến đây đều cảm mến, yêu con người, yêu mảnh đất nơi đây. Hy Cương hôm nay tự hào với trách nhiệm là nơi gắn kết cộng đồng hướng về nguồn cội, góp phần xây dựng giá trị văn hóa “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” của dân tộc ta.

(Nguồn:http://baophutho.vn/)

0 Bình luận

Loading...