Xã Long Cốc, huyện Tân Sơn là một xã miền núi nằm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Phú Thọ, trung tâm xã cách thành phố Việt Trì khoảng 70 km, cách thủ đô Hà Nội khoảng 125km theo đường bộ; với trên 90% dân số là người dân tộc Mường, bà con nơi đây còn bảo tồn, lưu giữ đượckhá nhiều bản sắc văn hóa truyền thống từ các lễ hội, nếp sinh hoạt, nhà ở, ẩm thực đến các giá trị văn hóa phi vật thể đặc sắc. Với ưu thế địa hình thiên nhiên ban tặng, Long Cốc còn nổi tiếng với hàng trăm đồi chè bát úp xanh mướt, trải rộng, nối liền dựa trên địa hình tự nhiên, được các nhiếp ảnh gia ví như chốn “Bồng lai tiên cảnh” mỗi sáng sớm mai, là cảnh đẹp thiên nhiên ưu ái không nơi đâu có được. Những năm gần đây, Long Cốc đang trở thành điểm đến du lịch mới của tỉnh Phú Thọ hấp dẫn các nhiếp ảnh gia và khách du lịch trong nước, quốc tế.
Đồi chè Long Cốc, điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước
Với mục tiêu phát triển điểm du lịch sinh thái, văn hóa cộng đồng tại Long Cốc, trong những năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ đã phối hợp với chính quyền cấp huyện, xã triển khai dự án số 6 "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch" tại xã Long Cốc với nhiều nội dung hỗ trợ nhằm bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp gắn với phát triển du lịch tại xã Long Cốc như: Xây dựng mô hình tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa đặc thù các dân tộc thiểu số, mô hình bảo vệ văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số phục vụ nhân dân và du khách tại Điểm du lịch sinh thái cộng đồng xã Long Cốc; Hỗ trợ tuyên truyền quảng bá rộng rãi các giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của đồng bào dân tộc thiểu số; quảng bá, xúc tiến du lịch tại xã Long Cốc...
Qua đó đã tổ chức, hướng dẫn bà con tập luyện và xây dựng các chương trình biểu diễn văn nghệ gắn với các loại hình văn hóa đặc sắc của dân tộc Mường (đâm đuống, chiêng, hát ví, múa hát…); xây dựng hệ thống biển chỉ dẫn điểm đến gắn với tuyên truyền, quảng bá các giá trị văn hóa, du lịch tại Long Cốc; Tổ chức các đoàn farm trip, prestrip quảng bá các giá trị văn hóa đặc sắc tại điểm; xây dựng bộ nhân diện thương hiệu và trang fanpage du lịch cho điểm đến; tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng làm du lịchcộng đồng, kỹ năng biểu diễn phục vụ khách du lịch, dạy đánh chiêng, múa, hát; xây dựng ấn phẩm phục vụ công tác tuyên truyền, quảng bá gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc thiểu số… cùng nhiều hoạt động khác.
Tham gia mô hình bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số, hoạt động của Câu lạc bộ văn nghệ dân gian xã Long Cốc và các câu lạc bộ văn nghệ ở các khu, xóm được đẩy mạnh, quy tụ được những người tâm huyết với văn hoá dân tộc, tích cực truyền dạy, học tập các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số như: diễn tấu cồng chiêng, diễn xướng dân gian,chạm đuống, các làn điệu hát ví, hát rang dân tộc Mường... biểu diễn tại các Lễ hội, Tết, các chương trình, sự kiện diễn ra ở địa phương và biểu diễn phục vụ khách du lịch khi đến thăm quan trải nghiệm đồi chè Long Cốc, tìm hiểu văn hóa dân tộc Mường, ngoài ra các câu lạc bộ còn tích cực tham gia giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau để dần hoàn hiện hơn sự chuyên nghiệp trong quá trình biểu diễn văn nghệ. Qua đó góp phần giữ gìn, quảng bá và phát huy nét văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc của Phú Thọ đến với khách du lịch.
Câu lạc bộ văn nghệ dân gian biểu diễn văn nghệ, đốt lửa trại, giao lưu với khách du lịch
Song song với các hoạt động văn hóa, được sự định hướng, vào cuộc của chính quyền các cấp và sự hướng dẫn của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhiều hộ dân tại xã Long Cốc đã mạnh dạn đầu tư chỉnh trang nhà ở theo kiến trúc đặc trưng của đồng bào dân tộc Mường, cung cấp dịch vụ homestay nghỉ dưỡng, trải nghiệm phong tục tập quán, văn hóa, ẩm thực địa phương, luôn thực hiện tốt việc bảo vệ môi trường, duy trì, phát huy những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Mường, thống nhất bảng giá dịch vụ chung, không tự ý tăng giá dịch vụ... góp phần phát triển du lịch bền vững, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của đồng bào Mường. Ngoài kinh doanh dịch vụ ăn, ngủ, nghỉ các gia đình cung cấp thêm các dịch vụ như: liên hoan văn nghệ đốt lửa trại, cho thuê trang phục check in, trải nghiệm quy trình sản xuất chè xanh, bán các sản vật địa phương, xe ôm, mẫu ảnh... để đa dạng các dịch vụ trải nghiệm văn hóa đồng bào dân tộc Mường, nâng doanh thu của gia đình tăng lên, giải quyết việc làm cho nhiều lao động của địa phương góp phần làm cuộc sống được cải thiện rõ rệt.
Khách du lịch nước ngoài lưu trú tại Homestay Hưng Yên, xóm Bông 1, Long Cốc
Việc khai thác, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch đã và đang mang lại “lợi ích kép” cho người dân, không chỉ góp phần bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa vốn có mà còn tạo ra sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế trên chính mảnh đất quê hương mình. Chính quyền và người dân xã Long Cốc đã tích cực khai thác giá trị văn hóa truyền thống bản địa vốn có của mình để phục vụ du lịch tạo nên sự mới lạ, khơi gợi sự tò mò khám phá cho du khách khi đến với vùng đất này, từ đó tích cực xây dựng và phát triển đa dạng nhiều loại hình du lịch mang nét đặc trưng riêng của địa phương, tập trung phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch sinh thái,trải nghiệm, đã khắc phục tính mùa vụ, các sản phẩm du lịch được khai thác kéo dài quanh năm.
Việc khai thác tiềm năng, lợi thế các giá trị văn hóa truyền thống để phát triển du lịch tại Long Cốc gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đang góp phần tạo nên những "gam màu sáng" cho bức tranh kinh tế của địa phương. Năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024, Long Cốc đón gần 10.000 lượt khách du lịch,trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt gần 3.000lượt, doanh thu du lịch dịch vụ tăng lên. Mong muốn trong thời gian tới các cấp chính quyền và người dân xã Long Cốc tiếp tục chú trọng định hướng đầu tư, quan tâm hơn nữa đến công tác bảo tồn, khai thác, phát huygiá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc Mường gắn với phát triển du lịch, đồng thời giữ gìn, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên điểm đến du lịch đồi chè Long Cốc góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa, đời sống tinh thần, tạo việc làm, thu nhập cho người dân, phát triển du lịch bền vững, phấn đấu đưa Long Cốc trở thành điểm sáng mới, điểm đến không thể bỏ qua trên hành trình du lịch Việt Nam./.
Nguyễn Thị Hoàn - Phòng PTTNDL - Sở VHTTDL Phú Thọ
Loading...