Chỉ khám phá thành phố? Hãy để chúng tôi gợi ý cho bạn điều gì đó hấp dẫn và đang diễn ra!

Khám phá - Trải nghiệm

Đến với các địa điểm du lịch ở Phú Thọ để được trải nghiệm nét văn hóa độc đáo với nhiều di chỉ khảo cổ, di tích lịch sử, lễ hội dân gian...

Sắc màu Lễ hội - Sự kiện

Khám phá trọn vẹn Phú Thọ, chúng tôi đã đặc biệt tạo ra những chuyến tham quan phù hợp với bạn, chương trình trong ngày hoặc 2 ngày

Tin tức

Khám phá trọn vẹn Phú Thọ, chúng tôi đã đặc biệt tạo ra những chuyến tham quan phù hợp với bạn, chương trình trong ngày hoặc 2 ngày

Phú Thọ tham gia triển lãm “Sắc màu di sản văn hóa, thiên nhiên và sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam” năm 2024

Phú Thọ tham gia triển lãm “Sắc màu di sản văn hóa, thiên nhiên và sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam” năm 2024

Triển lãm “Sắc màu di sản văn hóa, thiên nhiên và sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam” năm 2024 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức từ ngày 22-26/11 tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Triển lãm khai mạc vào chiều ngày 23/11 tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Nghệ An. Đây là sự kiện văn hóa thường niên chào mừng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11) và nhân dịp kỷ niệm 10 năm Dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Triển lãm nhằm giới thiệu, quảng bá, tôn vinh những giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, các di tích, danh lam thắng cảnh của Việt Nam; khẳng định tiềm năng phát triển văn hóa du lịch, tạo động lực thu hút mạnh mẽ các nguồn lực phát triển du lịch, nâng cao vị thế hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Đồng thời giới thiệu sản phẩm nghề thủ công truyền thống của các làng nghề sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở các vùng, miền; khích lệ tinh thần lao động sáng tạo của các nghệ nhân, qua đó quảng bá về tiềm năng du lịch làng nghề, mở rộng mối quan hệ giữa các làng nghề truyền thống, từng bước hội nhập kinh tế quốc tế. Triển lãm thu hút sự tham gia trưng bày của hơn 20 tỉnh, thành phố với gần 40 gian hàng. Tham gia hoạt động tại Triển lãm, tỉnh Phú Thọ tổ chức không gian trưng bày Sắc màu “Di sản văn hóa phi vật thể Đất Tổ Hùng Vương” nhằm giới thiệu, quảng bá, tôn vinh giá trị di sản văn hoá tiêu biểu được UNESCO ghi danh: Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan Phú Thọ. Bên cạnh đó trưng bày giới thiệu hình ảnh các khu, điểm du lịch; sản phẩm, dịch vụ, tiềm năng phát triển du lịch Phú Thọ  và các di tích, danh lam thắng cảnh, sản phẩm OCOP, sản phẩm thủ công, sản phẩm làng nghề truyền thống của tỉnh Phú Thọ đến với nhân dân Nghệ An và du khách tham dự tại sự kiện. Gian hàng của tỉnh Phú Thọ với bố cục hài hòa, thiết kế mang đậm bản sắc văn hóa vùng Đất Tổ cội nguồn, tập trung giới thiệu và lan tỏa 2 di sản văn hóa có sức sống lâu bền, rộng khắp trong cộng đồng người Việt trong nước và ở nước ngoài, đó là: Gian hàng trưng bày nổi bật hình tượng vua Hùng cùng chiếc trống đồng Hy Cương ở vị trí trung tâm, bên cạnh là không gian giới thiệu nghệ thuật hát Xoan với những bộ trang phục xoan, nhạc  cụ (trống, phách), tài liệu và hình ảnh nghệ nhân các phường Xoan cổ, thu hút sự quan tâm, tìm hiểu của đông đảo nhân dân địa phương. Thông qua hệ thống tài liệu, ấn phẩm, ảnh đẹp du lịch tại gian hàng, tỉnh Phú Thọ cũng đã tuyên truyền, quảng bá tới du khách các chương trình tour du lịch, sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh Phú Thọ: du lịch văn hoá tâm linh với Đền Hùng là trung tâm cùng với di sản văn hoá thời đại Hùng Vương là điểm đến tâm linh về với cội nguồn dân tộc; du lịch nghỉ dưỡng với Khu du lịch nước khoáng nóng Thanh Thuỷ, du lịch sinh thái, trải nghiệm với Khu du lịch Vườn Quốc gia Xuân Sơn. Nhằm thu hút sự quan tâm của nhân dân, du khách thập phương tới tham quan, trải nghiệm nét văn hóa - du lịch đặc trưng của Phú Thọ, Đoàn nghệ thuật quần chúng tỉnh Phú Thọ đã tổ chức các buổi biểu diễn, giao lưu nghệ thuật Hát Xoan Phú Thọ, mang lại không khí tươi vui, sôi động. Qua đó, người dân và du khách có dịp được thưởng thức, được giao lưu với nghệ nhân và hòa mình vào lời ca, các động tác múa của mỗi tiết mục. Thông qua các hoạt động tại sự kiện, Triển lãm giúp đồng bào và du khách thập phương biết thêm về tiềm năng văn hóa du lịch, các sản phẩm độc đáo của một số tỉnh, thành trong nước. Phú Thọ tham gia trưng bày tại Triển lãm "Sắc màu di sản văn hóa, thiên nhiên và sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam" tại Nghệ An là hoạt động văn hóa có ý nghĩa với mong muốn góp phần quảng bá hiệu quả về di sản văn hóa, di sản thiên nhiên, danh lam thắng cảnh gắn với thúc đẩy phát triển du lịch, từ đó thắt chặt tình đoàn kết, hợp tác phát triển giữa tỉnh Phú Thọ và các tỉnh, thành trong cả nước. Đây cũng là dịp để tỉnh Phú Thọ giới thiệu hình ảnh con người Đất Tổ thân thiện, mến khách, mảnh đất du lịch gắn với nhiều lễ hội truyền thống luôn chào đón đồng bào và du khách thập phương về với miền quê di sản giàu bản sắc văn hoá và tiềm năng du lịch. Triển lãm bế mạc vào tối ngày 25/11 với chương trình nghệ thuật là một số tiết mục tham dự Liên hoan nghệ thuật dân gian truyền thống “Việt Nam - những sắc màu di sản”. Ban tổ chức đã trao giải thưởng, giấy khen cho các tập thể, cá nhân tham gia trưng bày Triển lãm, Liên hoan. Một số hình ảnh tại sự kiện: Các đơn vị tham gia trưng bày tại Triển lãm nhận biểu trưng sự kiện Không gian trưng bày Di sản văn hóa phi vật thể Đất Tổ Hùng Vương tại Triển lãm Hát Xoan Phú Thọ tham gia Liên hoan nghệ thuật “Việt Nam -  Những sắc màu di sản” Đoàn Phú Thọ nhận Bằng khen, Giải thưởng tham gia tại Triển lãm, Liên hoan nghệ thuật. Bài: Thùy Dung, Ảnh: Bích Ngọc - Trung tâm TTXTDL
Hát Xoan Phú Thọ tham gia Liên hoan nghệ thuật dân gian truyền thống “Việt Nam - Những sắc màu di sản” tại Nghệ An.

Hát Xoan Phú Thọ tham gia Liên hoan nghệ thuật dân gian truyền thống “Việt Nam - Những sắc màu di sản” tại Nghệ An.

       Triển lãm “Sắc màu di sản văn hóa, thiên nhiên và sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam” diễn ra từ ngày 22 - 26/11/2024 tại Nghệ An do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An tổ chức. Đây là hoạt động ý nghĩa chào mừng Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11/2024 và kỷ niệm 10 năm Dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trong khuôn khổ chương trình, Liên hoan nghệ thuật dân gian truyền thống “Việt Nam - những sắc màu di sản” với sự tham gia của 11 Đoàn nghệ thuật quần chúng các tỉnh trình diễn các loại nhạc cụ dân tộc, tiết mục múa dân gian dân tộc, làn điệu dân ca… đã chính thức khai mạc và diễn ra phần thi của 6 đoàn nghệ thuật quần chúng của các tỉnh: Quảng Nam, Huế, Điện Biên, Ninh Bình, Quảng Ninh, Bạc Liêu vào tối ngày 22/11/2024.        Tham gia Liên hoan vào sáng ngày 23/11 tại sân khấu Trung tâm văn hóa tỉnh Nghệ An, Hát Xoan Phú Thọ đã biểu diễn 3 tiết mục Trống quân đón Đào, Xin huê đố huê và Mó cá . Với mục đích quảng bá, kết nối di sản trong cả nước và lan toả giá trị văn hoá độc đáo vùng Đất Tổ tới đông đảo nhân dân Nghệ An và du khách thập phương tham dự chương trình, Đoàn nghệ nhân đến từ các phường Xoan cổ của Phú Thọ đã mang tới Liên hoan những lời ca Xoan mộc mạc, trữ tình cùng lối hát múa đặc trưng của Di sản, khiến cho người nghe như được trở về với nguồn cội tổ tiên, nơi đất phát tích của dân tộc. Hát Xoan Phú Thọ là loại hình dân ca nghi lễ phong tục, hình thức nghệ thuật đa yếu tố gồm nhạc, hát, múa phối hợp nhưng vô cùng đơn giản và gần gũi với đời sống của cư dân nông nghiệp xưa, đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hát Xoan, đặc biệt là những bài hát thuộc chặng Hát thờ, thường được thực hành trình diễn ở các di tích đình, đền, miếu thờ vua Hùng, có mối quan hệ chặt chẽ với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ. Ở chặng hát giao duyên, Hát Xoan Phú Thọ là tiếng lòng của nhân dân lao động, nói lên những ước nguyện về một cuộc sống yên bình, ấm no, hạnh phúc, tràn đầy tình yêu quê hương, đất nước, con người. Cùng với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, Hát Xoan Phú Thọ thể hiện nét văn hóa đặc trưng của vùng đất Tổ cội nguồn; mối quan hệ chặt chẽ đã tạo nên sức sống mãnh liệt để hai Di sản song song tồn tại, phát triển vượt thời gian cho đến tận ngày nay và sẽ trường tồn đến muôn đời sau.        Mang tới Liên hoan ba tiết mục Xoan cổ với tiết tấu vui tươi của chặng hát Hội (hát giao duyên), Hát Xoan Phú Thọ đưa người xem về với lịch sử dựng nước thời đại các Vua Hùng, giúp du khách cảm nhận và hiểu hơn về vùng đất, văn hóa truyền thống và con người nơi đây, mong muốn bằng tình yêu và lòng tự hào sâu sắc về giá trị Di sản sẽ để lại cho khán giả ấn tượng và cảm xúc sâu lắng về đất và người Phú Thọ, mong một lần được về với miền quê Di sản để hòa cùng lời ca, điệu thức dân gian. Qua những tiết mục Xoan mang nét văn hóa cổ xưa, người xem đánh giá cao quá trình bảo tồn, phát huy giá trị của Di sản trong những năm qua của người dân Phú Thọ để gìn giữ “nét văn hóa thuần Việt”. Hiện nay, Hát Xoan Phú Thọ đã trở thành một sản phẩm du lịch đặc sắc được quảng bá tới du khách trong và ngoài nước tại các chương trình tham quan, sự kiện xúc tiến du lịch của tỉnh Phú Thọ.         Cũng trong chương trình Liên hoan, các nghệ nhân đã tham gia giao lưu nghệ thuật “Về miền di sản” , biểu diễn Hát Xoan Phú Thọ tại gian trưng bày quảng bá di sản văn hóa tỉnh Phú Thọ nhằm thu hút du khách tham quan, thưởng thức và tìm hiểu văn hóa, các sản phẩm du lịch vùng Đất Tổ. Việc tham gia các chương trình kết nối di sản không chỉ nhằm giới thiệu, quảng bá một cách hiệu quả các di sản văn hóa, di sản thiên nhiên, danh lam thắng cảnh…, thúc đẩy phát triển du lịch mà còn khẳng định giá trị, ý nghĩa, vai trò của di sản văn hóa đối với đời sống cộng đồng, từ đó nâng cao ý thức của cộng đồng chung tay bảo tồn, phát huy giá trị di sản của dân tộc.       Một số hình ảnh tại Liên hoan: Ảnh: Bích Ngọc - Bài: Thùy Dung Trung tâm TTXT Du lịch
Lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; các điểm du lịch cấp tỉnh và Ngày hội văn hóa, thể thao huyện Tân Sơn năm 2024

Lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; các điểm du lịch cấp tỉnh và Ngày hội văn hóa, thể thao huyện Tân Sơn năm 2024

Sáng 18/11/2024, tại bản Dù, xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, Ủy ban nhân dân huyện Tân Sơn long trọng tổ chức Lễ đón nhận quyết định công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đối với “Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Mường xã Kim Thượng, xã Xuân Đài; công nhận các điểm du lịch cấp tỉnh và khai mạc ngày hội văn hóa, thể thao huyện Tân Sơn năm 2024. Dự buổi lễ có đồng chí Vi Mạnh Hùng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Đắc Thủy – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đại biểu các sở, ban, ngành của tỉnh; Hiệp hội du lịch tỉnh; đại biểu huyện Tân Sơn, các huyện bạn Thanh Sơn, Yên Lập; đại biểu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; các cơ quan báo chí, truyền thông; cùng toàn thể nhân dân và du khách trong và ngoài tỉnh. Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Vi Mạnh Hùng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ghi nhận và biểu dương những cố gắng của ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch; sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền huyện Tân Sơn, xã Xuân Đài, Kim Thượng, Xuân Sơn, Vườn Quốc gia Xuân Sơn, các sở, ngành có liên quan của tỉnh. Đồng thời, bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Di sản văn hóa và các bộ, ngành liên quan đã tạo tạo điều kiện và quan tâm đến tỉnh Phú Thọ trong việc quyết định đưa di sản văn hóa Nghề thủ công truyền thống - nghề dệt thổ cẩm của người Mường xã Xuân Đài, xã Kim Thượng vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, qua đó, góp phần to lớn vào công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của huyện Tân Sơn. Sự kiện Lễ đón nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, các điểm du lịch cấp tỉnh và Ngày hội văn hóa, thể thao huyện Tân Sơn năm 2024 vừa là niềm vinh dự, tự hào, đồng thời cũng đặt ra yêu cầu cao về trách nhiệm đối với các cấp, ngành của tỉnh, huyện Tân Sơn và các thế hệ nghệ nhân, cộng đồng các dân tộc anh em trên địa bàn huyện Tân Sơn trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản. Để tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tiềm năng du lịch trên địa bàn huyện Tân Sơn, góp phần thiết thực trong việc phát triển kinh tế - xã hội, đồng chí Vi Mạnh Hùng đề nghị chính quyền và nhân dân huyện Tân Sơn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các đơn vị có liên quan triển khai nghiêm túc, hiệu quả các hoạt động gìn giữ, bảo vệ và phát huy di sản bằng tâm huyết, tấm lòng, niềm tự hào, nội lực, để các giá trị di sản văn hóa ngày càng lan tỏa mạnh mẽ, rộng rãi hơn nữa trong cộng đồng. Tham dự sự kiện nhân dân và du khách sẽ được tham quan, trải nghiệm không gian văn hóa rực rỡ sắc màu, thăm các gian hàng quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của huyện, từ đó thêm hiểu, thêm yêu quê hương, con người Tân Sơn; được tham gia thi đấu trải nghiệm các trò chơi dân gian, các môn thể thao truyền thống độc đáo, sôi nổi như: bắn nỏ, kéo co nam nữ, đẩy gậy, tung còn...; được trải nghiệm khám phá các điểm du lịch sinh thái cộng đồng hấp dẫn; được hòa mình trong những tiết mục diễn xướng dân gian, những câu ví, câu rang, tiếng đuống, tiếng chiêng, tiếng khèn đặc sắc, say đắm lòng người tại Liên hoan nghệ thuật quần chúng; được xem và cảm nhận những giá trị văn hóa tốt đẹp, nhân văn sâu sắc của Nghề Dệt thổ cẩm truyền thống - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia do chính các nghệ nhân là chủ thể di sản văn hóa trình diễn và thực hành. Chương trình sẽ diễn ra từ ngày 16/11 đến hết ngày 23/11/2024 tại bản Dù, xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn. Đây là dịp để nhân dân và du khách thập phương được giao lưu, trao đổi, giới thiệu những đặc trưng văn hóa các dân tộc thiểu số, tạo điều kiện cho đồng bào tham gia các hoạt động sáng tạo và hưởng thụ văn hóa, văn nghệ, thể thao, đáp ứng các tiêu chí văn hóa về nông thôn mới.     Một số hình ảnh: Bích Ngọc - Trung tâm TTXTDL