18 Tháng 1, 2022 | Lễ hội
Yên Lập là một huyện miền núi của tỉnh Phú Thọ, là địa bàn sinh tụ của nhiều dân tộc như: Mường, Dao, Tày..., mỗi dân tộc có những nét văn hóa công cụ, nhạc cụ, phong tục tập quán, lễ hội truyền thống riêng, tạo nên bức tranh văn hóa đa dạng, nhiều màu sắc. Chiếm trên 70 % dân số tại đây là đồng bào Mường, hiện nay họ vẫn còn lưu giữ một số nét văn hóa dân gian truyền thống mang đặc trưng dân tộc mình, trong đó phải kể đến nghệ thuật múa trống đu - một trong những diễn xướng dân gian tiêu biểu của người Mường.
Múa trống đu là di sản văn hóa quý báu của đồng bào Mường (Ảnh: Sưu tầm)
Múa trống đu còn có tên gọi là trống đua hay trống đùa. Ý nghĩa của nó được xuất phát từ một câu chuyện có thật trong dân gian. Tích xưa kể rằng: Xưa kia có hai vợ chồng người Mường sinh hạ được một cậu con trai. Cuộc sống đang hạnh phúc thì không may người vợ lâm bệnh, qua đời. Người chồng rất đau khổ, còn cậu con trai bé nhỏ thì cứ khóc đòi tìm mẹ khôn nguôi. Tìm mọi cách dỗ dành mà con không nín, thương con, người cha bèn sang bản bên mua một chiếc trống mang về để đánh cho con nghe và cũng là để khỏa lấp đi nỗi nhớ người vợ trẻ bạc phận. Và từ đó, chiếc trống trở thành niềm an ủi, gắn bó với hai cha con. Khi người cha mất, người con tổ chức múa trống để tiễn biệt cha về nơi chín suối. Đời này qua đời khác, cái tên trống đu bắt đầu xuất hiện, từ chỗ gõ trống chỉ có tính chất tỏ nỗi nhớ vợ, nhớ cha đã trở thành điệu múa không thể thiếu trong lễ mừng thọ, lễ Tết, các lễ hội đầu xuân, trong cả sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người Mường ở Yên Lập.
Trống được làm từ da trâu, có đường kính khoảng 30cm, dài 45cm, đủ để người múa trống có thể tung trống, vần trống, xoay trống một cách dễ dàng. Múa trống đu ban đầu chỉ có hai người, tượng trưng cho cha và con, sau đó số người được nâng lên để phục vụ nhân dân trong những dịp sinh hoạt cộng đồng hay lễ Tết. Hiện nay, múa trống đu có thể lên tới mười một người, trong đó có một người đánh trống cái là người múa chính, một người đánh trống con, hai anh mõ lộn, hai anh thợ kèn và sáu nữ sênh tiền. Để màn múa bắt đầu, người đánh trống cái ra sân khấu nghiêng mình chào khán giả rồi dập trống, sau đó đội múa từ hai bên cánh gà từ từ đi ra. Khi hồi trống cái thứ hai nổi lên, các thành viên trong đội múa tay cầm đôi sênh tiền (dụng cụ bằng gỗ, hoặc tre được thiết kế để tạo âm thanh) theo nhịp trống cùng hòa thành một bản nhạc đặc trưng, đồng thời biểu diễn các động tác múa theo phong cách người Mường. Trang phục dành cho nghệ thuật múa trống đu rất đơn giản, được thiết kế trang phục thường ngày của những chàng trai Mường . Người múa chính thường mặc trang phục quần hồng, áo đỏ, đai ngang màu xanh, khăn chít đầu màu đỏ, chân quấn xà cạp, được trang điểm sao cho khuôn mặt trông hài hước, dễ nhận ra và cũng rất khó quên. Các thành viên khác mặc mặc trang phục nâu, đai ngang và khăn chít đầu đều màu đỏ. Cái khó nhất của múa trống đu không phải chỉ ở trình độ nghệ thuật biểu diễn mà đòi hỏi người múa phải có sức khỏe, sự dẻo dai, nhanh nhẹn, biết cảm thụ sâu sắc ý nghĩa điệu múa, làm các động tác múa thể hiện được nội tâm con người.
Khi múa, người múa chính và múa phụ hoạ đứng giữa, vừa múa vừa đánh trống đảm bảo sao cho nhịp trống phải khớp với động tác nhảy múa và các nhạc cụ hỗ trợ xung quanh. Tiết tấu của múa trống đu khi dồn dập, khi uyển chuyển. Chỉ là những đạo cụ bình thường nhưng sự phối hợp ăn ý của chúng đã tạo nên những âm thanh mang đặc trưng sắc thái của dân tộc Mường, vừa da diết, vừa mãnh liệt. Nó thể hiện ước vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc; là sự đoàn kết giữa tình làng nghĩa xóm, giảm đi ranh giới sang hèn trong xã hội; là khát vọng hướng tới tương lai hạnh phúc, an khang thịnh vượng của người dân lao động.
Nhắc đến Yên Lập, du khách không chỉ biết đến thắng cảnh Hồ Ly (xã Thượng Long), các di tích lịch sử, di sản văn hóa như: Chiến khu cách mạng Phục Cổ (xã Minh Hòa), Căn cứ Tôn Sơn - Mộ Xuân (xã Xuân An)...; mà còn được gợi mở bao điều thú vị về các lễ hội truyền thống của đồng bào Mường, Dao như: Lễ đóng cửa rừng, mở cửa rừng, lễ vào nhà mới, lễ cúng sức khỏe, lễ chúc phúc, lễ mừng cơm mới, lễ lập tỉnh, tết nhảy…; cùng các thể loại văn nghệ dân gian như: diễn tấu cồng chiêng, hát giang, hát ví, múa mỡi, trống đu, sênh tiền của đồng bào dân tộc Mường; hát đối, múa rùa, múa chuông của dân tộc Dao. Điệu múa trống đu như một đóa hoa rực rỡ, nổi bật trong vườn hoa văn nghệ dân gian đó, tô điểm thêm cho bức tranh văn hóa các dân tộc thêm sắc màu, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người Mường huyện Yên Lập mỗi dịp tết đến, xuân về.
Phương Thảo - Trung tâm TTXT Du lịch
Xem nhiều nhất
09 Tháng 12, 2022
09 Tháng 12, 2022
09 Tháng 12, 2022
09 Tháng 12, 2022
12 Tháng 8, 2017
Loading...