Về Đào Xá vui hội rước voi

11 Tháng 3, 2019 | Lễ hội

Về Đào Xá vui hội rước voi

t8-4mau01-1552034848
Chạy cờ trên đường rước voi.

PTĐT - Lễ hội đình Đào Xá (xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy) với đặc trưng là hội rước voi, được tổ chức vào các ngày 27, 28, 29 tháng Giêng hàng năm, trong đó ngày 28 là ngày chính hội. Nơi đây thờ Hùng Hải Công - em thứ 19 của vua Hùng - người đã có công khai mở đất đai, dạy dân trị thủy, trồng cấy, chăn nuôi, xây dựng xóm làng trù phú.

Tương truyền, vào thời Hùng Vương dựng nước, Hùng Hải được Vua Hùng cử đến cai quản vùng Tam Giang (nơi tiếp giáp của 3 con sông: sông Đà, sông Hồng và sông Bứa) và kết hôn với bà Trang Hoa. Sau khi sinh được 3 người con trai là Đạt Công Long Vương, Mãn Công Long Vương và Uyên Công Long Vương,  thì  bà Trang Hoa hóa thân. Hùng Hải ở lại vùng đất này để dạy dân trị thủy, làm ăn và nuôi dạy các con, khi các con khôn lớn, ông giao miền đất này cho 3 con cai quản, còn mình về sinh sống ở sông Nhị (thuộc tỉnh Hải Dương hiện nay). Ghi nhận công lao của ông, Vua Hùng đã ban thưởng cho 2 thớt voi chiến làm phương tiện đi lại. Cũng từ đó, người dân Đào Xá đã tôn ông làm Thành Hoàng làng, lập đình thờ tại đây, hàng năm tổ chức tế lễ, mở hội rước voi truyền thống.

Đình Đào Xá được xây dựng vào thời Lê, thế kỷ XVII, gồm một tòa 5 gian với kiến trúc đồ sộ, vững chãi theo hướng Nam. Bên trong đình, những cột, kẻ được trạm trổ công phu tinh tế với nhiều hình rồng phượng, lá sen, người cưỡi ngựa, diều; mái lợp ngói mũi hài, nóc đắp lưỡng long chầu nguyệt, cổng đình gồm 1 cổng chính và 2 cổng phụ mở, mỗi bên có một cột trụ lớn, một trụ đồng nhỏ, trên đỉnh cột trụ đắp quả dành, bốn mặt của cột đồng trụ đều đắp tứ linh và long cuốn thủy... Với những giá trị văn hóa lịch sử, nghệ thuật điêu khắc tinh xảo, đình Đào Xá được công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia và là một trong những ngôi đình cổ nhất trên địa bàn tỉnh còn được lưu giữ đến ngày nay. Đây cũng là nơi 55 năm trước Bác Hồ đã về thăm, nói chuyện với người dân xã Vinh Quang (nay là xã Đào Xá). 



t8-4mau02-1552034865
Mâm cỗ được các Giáp chuẩn bị rất công phu để dâng lên thành hoàng làng.


Lễ hội đình Đào Xá được tổ chức hàng năm với nhiều hoạt động văn hoá dân gian. Ngày khai hội, đoàn rước voi ra đền Đào Xá (đền Tam Công) rước bát nhang, long ngai, bài vị về đình. Ngày 28 tháng Giêng là chính hội với các hoạt động tế lễ, rước voi và các trò chơi dân gian. Từ sáng sớm, người dân ở 4 giáp Đông, Tây, Nam, Bắc xung quanh đình chuẩn bị những mâm cỗ cao, đẹp dâng lên Thành Hoàng làng. Lễ vật trong mâm cỗ gồm hoa, quả, bánh mật, xôi nếp trong đó nổi bật là những chú gà trống da vàng óng, được tạo dáng như đang bay, rất đẹp và công phu, những chú gà được chọn làm lễ cũng được chăm nuôi cẩn thận. Ngày hội làng cũng là dịp người dân trong làng mời bạn bè anh em về ăn tết, nhiều nhà còn làm cỗ to hơn tết Nguyên đán. 

Trong lễ hội đình Đào Xá, hội rước voi được coi là tâm điểm và mọi người thường gọi là Lễ hội rước voi Đào Xá. Đoàn rước có khoảng hơn trăm người, dẫn đầu là đôi voi to lớn, mỗi ông voi do 2 thanh niên khỏe mạnh, gia cảnh êm đẹp điều khiển. Voi được dẫn đi bởi người quản voi và người cầm lệnh điều khiển cho voi đi nhanh, chậm, rẽ phải, trái. Đoàn rước voi và kiệu văn, kiệu võ từ đình ra đền rồi quay về đình tế. Trên đường rước, trong khi hai “ông voi” vui đùa với người dân dự hội thì đoàn người cầm cờ chạy xung quanh hai kiệu, vừa chạy vừa hô vang tạo không khí huyên náo. Sau khi đoàn rước về đình người dân và du khách thập phương cùng dâng hương cầu phúc để cầu mong mùa màng tươi tốt và những điều tốt lành trong năm mới, ngày 29, đoàn rước voi lại rước long ngai, bài vị, sắc phong về đền đợi mùa hội sau.


t8-4mau03-1552034886

Thi giã gạo thổi cơm trong lễ hội.


Phần hội được tổ chức tưng bừng với các trò chơi dân gian, tùy theo từng năm có thể thay đổi 1, 2  trò như giã gạo, kéo lửa thổi cơm thi, kéo co, đánh đu, thi đấu bóng chuyền, chọi gà, cờ vua, cờ tướng cùng nhiều trò chơi dân gian khác. Trong đó trò thổi cơm thi rất độc đáo bởi mỗi thành viên trong đội được phân công các việc khác nhau từ giã thóc, giần, sàng thành gạo, kéo được lửa từ thanh tre, bùi nhùi mà không dùng diêm hay bật lửa mới được thực hiện công đoạn nấu cơm. Đây là phần thu hút được đông đảo người dân và du khách tham gia, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong những ngày đầu xuân.

Lễ hội đình Đào Xá có giá trị lịch sử văn hoá, tín ngưỡng sâu sắc, tưởng nhớ công lao của những người có công dựng nước, dựng làng gắn liền với không gian văn hóa tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. 

(Theo: Nguyên An - http://baophutho.vn)

0 Bình luận

Loading...