Review Kinh Nghiệm Du Lịch Vườn quốc gia Xuân Sơn 2023

Ngày đăng: 14 Tháng 8, 2023

Review Kinh Nghiệm Du Lịch Vườn quốc gia Xuân Sơn 2023
Vườn quốc gia Xuân Sơn hiện là điểm du lịch xanh, điểm đến lý tưởng để bạn hòa mình cùng thiên nhiên và cảm nhận không khí yên bình của núi rừng, "đi trốn" khỏi sự xô bồ, ồn ào chốn thành thị, khám phá nhiều điều mới mẻ tại vùng đất hoang sơ, bình yên của miền đất Tổ.
  1. Giới thiệu Vườn quốc gia Xuân Sơn
Vườn Quốc gia Xuân Sơn là một trong ba khu vườn quốc gia nổi tiếng cả nước, nằm ở điểm cuối của dãy Hoàng Liên Sơn và ở phía Tây Nam huyện Tân Sơn, trên vùng tam giác giữa ranh giới của ba tỉnh Phú Thọ, Hòa Bình, Sơn La. Đến với du lịch Xuân Sơn, du khách sẽ được hòa mình vào một không gian trong lành, mát rượi. Buổi sáng là tiết trời của mùa xuân, buổi trưa là sự ấm áp của mùa hè, buổi chiều khiến lòng người lắng lại với những cơn gió hiu hiu của mùa thu và buổi tối là cái se lạnh ngọt ngào của mùa đông.
Nơi đây hội tụ nhiều loài động vật quý hiếm có trong sách đỏ Việt Nam cũng như trên thế giới như: sóc bụng đỏ đuôi trắng, cầy bạc má, đại bàng đất... Cùng với đó là thảm thực vật phong phú: chò chỉ, chò vảy, táu muối, sao mặt quỷ... Với sự đa dạng về động thực vật của mình, Xuân Sơn không những là miền đất hứa với muôn loài động thực vật mà còn trở thành điểm đến tham quan du lịch khám phá thiên nhiên, sinh thái, cộng đồng lý tưởng dành cho khách du lịch gần xa.
  1. Cách đi tới Vườn quốc gia Xuân Sơn
Với hệ thống giao thông phát triển, việc đi đến vườn quốc gia Xuân Sơn rất dễ dàng, từ thành phố Hà Nội khoảng 128km về hướng Tây theo chỉ dẫn của Google Maps, các bạn có thể lựa chọn các cung đường như sau:
Phương tiện cá nhân
+ Từ Big C Thăng Long  đi theo đại lộ Thăng Long vào đường CT08 đi thẳng đến đường DT87a (Gần VQG Ba Vì) rẽ tay trái rồi chạy thẳng qua cầu Đồng Quang, rẽ phải sang đường DT317 rồi tiếp tục chạy thẳng ra đường DT316 (đoạn này đi qua khu suối khoáng Thanh Thủy), hết đường này thì rẽ trái chạy về bến xe Thanh Sơn và đi vào Tân Sơn theo hướng quốc lộ 32, qua các xã Địch Quả, Văn Luông, Minh Đài, Xuân Đài; đến ngã ba chỉ hướng đi xã Xuân Sơn thì rẽ phải.
+ Từ Hà Nội, Xuất phát từ đại học Quốc gia Hà Nội quý khách đi thẳng theo đường 32 qua cầu Trung Hà rồi rẽ trái đi men theo đường đê, sẽ có biển chỉ dẫn đi Thanh Sơn. Từ ngã 4 Thanh Sơn các bạn rẽ phải theo đường QL32 (có biển chỉ đi Xuân Sơn khoảng 40km) và cứ đi thẳng cho đến khi nhìn thấy biển rẽ trái đi Xuân Sơn. Cứ men theo đường này và đi theo hệ thống biển chỉ dẫn sẽ vào tới Xuân Sơn. Hoặc các bạn cứ tiếp tục đi về hướng Thu Cúc cũng sẽ có 1 đường khác để tới Xuân Sơn.
 
Phương tiện công cộng
Vườn Quốc gia Xuân Sơn nằm ở Tân Sơn, trên trục quốc lộ 32 từ Hà Nội đi Yên Bái. Các tuyến xe từ Hà Nội đi Tân Sơn có nhưng không nhiều, các bạn có thể lựa chọn các tuyến xe để lên tới trung tâm Tân Sơn (xã Tân Phú) rồi từ đây đi xe ôm vào trong Vườn Quốc gia Xuân Sơn.
Một số tuyến xe khách chạy thẳng tới Xuân Sơn, nếu sử dụng phương tiện công cộng thì khi di chuyển ở Xuân Sơn các bạn bắt buộc phải thuê xe của người dân địa phương hoặc chủ homestay để di chuyển qua lại giữa các địa điểm.
SƠN VI
Lịch trình: Hà Nội – Vườn Quốc gia Xuân Sơn
Giờ xuất bến: Hà Nội 8h30 – Xuân Sơn 13h00
Điện thoại: 0944 680 666
DUY THUẬN
Lịch trình: Hà Nội – Vườn Quốc gia Xuân Sơn
Giờ xuất bến: Hà Nội 14h00 – Xuân Sơn 8h00
Điện thoại: 0976299355
HẢI QUÂN
Lịch trình: Hà Nội – Vườn Quốc gia Xuân Sơn
Giờ xuất bến: Hà Nội 13h00 – Xuân Sơn 6h30
Điện thoại: 0989 049 633
TIẾN LINH
Lịch trình: Hà Nội – Vườn Quốc gia Xuân Sơn
Giờ xuất bến: Hà Nội 11h45 – Xuân Sơn 5h30
Điện thoại: 0978 164 585
HOÀNG MY
Lịch trình: Hà Nội – Vườn Quốc gia Xuân Sơn
Giờ xuất bến: Hà Nội 16h30 – Xuân Sơn 11h00
Điện thoại: 0989 622 141
  1. Du lịch Vườn Quốc Gia Xuân Sơn vào thời gian mùa nào đẹp ?
Nếu thích tham gia các lễ hội của người dân ở Xuân Sơn, các bạn có thể đến Vườn Quốc gia Xuân Sơn vào đầu năm, thời điểm mùa xuân. Ngày 7/1 (âm lịch) hàng năm có lễ hội xuống đồng của người Mường ở Tân Sơn. Đặc sắc nhất của lễ hội là nghi thức rước vía lúa có từ ngàn đời nay để cầu cho một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu, thóc đầy bồ, lợn, gà đầy chuồng, con người được bình an, mạnh khỏe.
Thời điểm mùa hè, không khí ở Xuân Sơn vô cùng mát mẻ, xua tan đi sự oi bức vốn thường thấy của miền Bắc vào thời gian này. Đến Xuân Sơn thời điểm này để nghỉ ngơi, thư giãn và cả hòa mình vào những làn nước mát lạnh của những con suối. Thời điểm mùa hè các bạn nhỏ được nghỉ, cũng là một cơ hội để bố mẹ có thể đưa các bạn đến Xuân Sơn khám phá thiên nhiên.
Vườn quốc gia Xuân Sơn đẹp nhất có lẽ vào khoảng tháng 10 đến tháng 12, đây là thời điểm hoa trạng nguyên - biểu trưng cho may mắn, thành đạt và vinh hiển, nở rộ dọc bên đường của vườn quốc gia tạo nên một khung cảnh tràn đầy năng lượng, đẹp rực rỡ của thiên nhiên. Đồng thời, Xuân Sơn vào lúc này là mùa nước đổ, những ngọn thác nơi đây tuôn trào mạnh mẽ như những cột trụ trắng xóa giữa trời xanh.
Rừng Quốc Gia Xuân Sơn như một mối tổng hòa nhịp nhàng của cây cối - loài vật - con người, một sự gắn kết mật thiết tạo nên cảnh quan đẹp yên bình nhưng tràn đầy sức sống của núi rừng nơi đây. Con người tại đây chung sống với thiên nhiên, hòa mình với nơi này như người bạn tri kỷ chẳng rời xa, thiên nhiên dường như hiểu được tấm chân tình của con người mà ban tặng, đem đến những gì tốt nhất lan tỏa đến nơi này, một không gian thoáng mát, đa dạng mà phong phú. Từng hàng cây, dòng nước trong veo hòa quyện cùng tạo nên một Xuân Sơn dịu êm, nhẹ nhàng như một bản tình ca dịu êm đu đưa những trái tim phiêu du khi đi ngang qua nơi này.
  1. Du lịch Vườn quốc gia Xuân Sơn thì ở đâu?
Khi đến một vùng đất xa lạ nào đó, để được gần gũi hơn với nhịp sống của nơi ấy hay chỉ đơn giản là được hòa mình vào những không gian đầy ấn tượng thì homestay chính là sự lựa chọn tuyệt vời nhất. Với sự phát triển nhu cầu của du khách, Xuân Sơn có rất nhiều homestay đẹp, giá phù hợp, vừa là nơi lưu trú vừa là một điểm check in lý tưởng như:
HOMESTAY Lâm Homestay
Địa chỉ: Bản Dù, Xuân Sơn, Tân Sơn, Phú Thọ
Điện thoại: 0943 924 996
HOMESTAY Quỳnh Nga
Địa chỉ: Bản Dù, Xuân Sơn, Tân Sơn, Phú Thọ
Điện thoại: 0368 408 082
HOMESTAY Thức Như
Địa chỉ: Bản Dù, xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ.
Điện thoại: 0974.122.783
HOMESTAY Xuân Sơn 1
Địa chỉ: Bản Dù, Xuân Sơn, Tân Sơn, Phú Thọ
Điện thoại: 0396 431 895
          HOMESTAY Xuân Sơn 2
Địa chỉ: Bản Lấp, Xuân Sơn, Tân Sơn, Phú Thọ
Điện thoại: 0984 577 458
HOMESTAY Kỳ Tâm
Địa chỉ: Bản Lấp, Xuân Sơn, Tân Sơn, Phú Thọ
Điện thoại: 0989 866 005
HOMESTAY Bảo Việt
Địa chỉ : Xóm Lấp, xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ
Hotline : 0985.950.323 - 0372.409.468
HOMESTAY Uyên Trâm
Địa chỉ : Bản Lấp, xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ
Hotline : 0966 180 232
  1. Đến Vườn Quốc Gia Xuân Sơn chơi gì?
  • Tham quan Bảo tàng Thiên nhiên Xuân Sơn
Nằm trong khuôn viên văn phòng Vườn quốc gia Xuân Sơn, bảo tàng thiên nhiên là nơi lưu giữ và trưng bày những mẫu tiêu bản động thực vật Vườn quốc gia Xuân Sơn, ngoài ra còn có mô hình mô phỏng các hoạt động sản xuất của đồng bào dân tộc Dao và Mường thông qua trưng bày các công cụ sản xuất, mẫu nhà Sàn của người Mường và nhà Trệt của người Dao. Bảo tàng còn là nơi giáo dục môi trường cho các em học sinh và các bạn. Các bạn có thể dễ dàng đặt lịch tham quan Bảo tàng Thiên nhiên Vườn quốc gia Xuân Sơn để nghe cán bộ trung tâm giới thiệu, tìm hiểu về lịch sử hình thành Vườn quốc gia.
  • Tham quan các bản làng dân tộc
Sức lôi cuốn của Vườn quốc gia Xuân Sơn ngoài cảnh quan thiên nhiên, hệ sinh thái đa dạng phong phú… còn là những giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào Dao và Mường đang sống tại các bản ngay trong vườn.
+ Bản Dù
Trên đường vào Xuân Sơn, chỉ cần qua dốc Cổng Trời là tới bản Dù, bản trung tâm của Vườn Quốc gia Xuân Sơn và xã Xuân Sơn. Bản Dù cũng là nơi có loài chuối cô đơn (hay còn gọi là chuối Bạc Hà) một loại đặc sản rất đặc biệt.
+ Bản Lạng
Qua khỏi cổng vào Vườn Quốc gia Xuân Sơn, đến phía chân dốc Cổng Trời sẽ có 1 con đường nhỏ bên tay trái để vào bản Lạng. Quãng đường khoảng 3km, nhưng đường khá nhỏ. Nếu có 2 ô tô đi ngược chiều sẽ rất khó khăn để tránh.
+ Bản Lấp
Từ bản Dù đi vào khoảng hơn chục km nữa sẽ đến bản Lấp, bản khá nhỏ với vẻn vẹn chỉ khoảng gần 30 nóc nhà. Người dân bản Lấp chủ yếu sống phụ thuộc vào rừng bằng các nghề kiếm củi hay đánh bắt nhỏ từ suối.
+ Bản Cỏi
Bản Cỏi: được coi là “viên ngọc thô” giữa núi rừng thanh vắng, bản Cỏi là nơi sinh sống của bà con người Dao. Ở nơi đây, bạn được chiêm ngưỡng những ngôi nhà truyền thống có từ bao đời của bà con nơi đây, những cô gái trong trang phục thổ cẩm sặc sỡ mà yêu kiều. Cùng với bản sắc văn hóa được gìn giữ đến tận ngày nay, bản Cỏi còn sở hữu một bức tranh thiên nhiên đẹp thơ mộng, bình lặng mà đậm chất thơ.
  • Khám phá thiên nhiên kỳ thú
Du lịch trải nghiệm tại vườn quốc gia Xuân Sơn đem đến cho bạn cảm giác như đi vào một thế giới, kỳ thú nơi có muông thú sinh sống dưới những tán cây khổng lồ như những chiếc ô phủ lấy vùng đất rộng lớn che chở, bảo vệ rừng nguyên sinh quý giá này. Không những vậy, đến đây bạn còn được trải nghiệm những địa danh nổi tiếng với những vẻ đẹp huyền bí, thơ mộng đầy hấp dẫn:
  • Các đỉnh núi ở Xuân Sơn: Nằm trong quần thể vườn quốc gia Xuân Sơn có ba đỉnh núi cao trên 1.000 m so với mực nước biển là núi Voi, núi Ten và núi Cẩn.
  • Khám phá các hang động
+ Động Tiên: động được hình thành qua sự bào mòn của dòng nước trên non cao, động Tiên hiện nay luôn có 1 dòng nước mát lành chảy qua mang theo hơi mát của tạo hóa và dường như không gian động trở nên lung linh, huyền ảo hơn khi có dòng chảy của con nước êm đềm, nhẹ nhàng.
Ðộng Tiên là một hang ngầm trong lòng núi đá cẩm thạch dài 10km. Trong hang có đường thông gió lên thẳng đỉnh núi, làm cho không khí trong lành mát dịu. Hồ nước có nhiều loài cá lạ hấp dẫn.
+ Hang Thổ Thần: Thuộc địa phận bản Lấp, Hang Thổ Thần là một trong số những hang động lớn và dài nhất ở Xuân Sơn. Hang Thổ Thần ăn sâu trong lòng núi Ten, cửa vào hang nhìn thẳng ra cánh đồng Mường Lạng. Trong hang có những nhũ đá khá mềm và xốp như đất. Có lẽ vì vậy mà từ xưa người dân gọi bằng cái tên “hang Đất”. Hang Thổ Thần vẫn còn là một ẩn số lớn bởi người Dao, người Mường bản địa cũng chưa khám phá hết chiều dài và các ngóc ngách trong hang. Từ chân núi đi lên khoảng 300 bậc đá là đến cửa hang. Khi bước vào trong, du khách sẽ rất bất ngờ trước vẻ đẹp lung linh, huyền ảo và đầy bí ẩn của các hình thù do nhũ đá tạo thành. Tùy vào sức tưởng tượng của mỗi người mà gắn cho các hình khối đó những câu chuyện cổ tích riêng, hư hư, thực thực… Càng đi vào sâu, lòng hang càng hẹp, có nhiều đoạn phải leo lên những vách đá vôi cao hàng mét thì du khách mới có thể tiếp tục hành trình khám phá.
+ Hang Na: Hang Na cũng nằm ở bản Lấp, trên đường đi thác nước Lưng Trời. Xuyên qua những thảm thực vật phong phú và ẩm ướt, những con suối róc rách giữa rừng, trèo lên khoảng hơn 100 bậc đá thì tới cửa hang nằm lơ lửng trên vách núi. Lách qua một khe cửa hẹp bước vào trong, lòng hang tối như mực, ánh sáng tự nhiên duy nhất lọt vào là từ cửa hang.
Bước vào trong, du khách sẽ thấy rất thú vị khi chiêm ngưỡng các viên đá, to có, nhỏ có trông giống hệt như những quả na. Các khối đá na cứ nằm rải rác trong lòng hang không biết tự bao giờ, thi thoảng lại được bọn trẻ con quanh bản đưa về nhà làm đồ chơi… Có lẽ bởi vì thế mà hang có tên là hang Na. Đặc biệt ở đây, quá trình kiến tạo địa chất đã tạo nên một mô hình “ruộng bậc thang” thu nhỏ trong lòng núi mà có lẽ chỉ hang Na mới có. Đây là một nét độc đáo rất riêng của hang mà du khách chỉ có thể thấy hết vẻ đẹp của nó khi tận mắt chiêm ngưỡng và cảm nhận.
+ Hang Lạng: Hang Lạng cao trung bình tới 10m, có nơi cao tới 20-30m, rộng trung bình khoảng 10 – 15m, hang này còn có suối chảy qua với chiều dài trên 7.000m. Chạy dọc đáy hang là một con suối lớn. Những chỗ hang phình ra, nền hang trải đều một lớp đá củ đậu, cát vàng và đất sét. Nhiều chỗ thạch nhũ buông xuống, qua hàng triệu triệu năm đã tạo nên muôn hình ngàn dạng như ngàn vạn toà thờ Phật, thờ thần. Lại có nhiều trụ cột, được thiên nhiên đắp, vẽ, điểm tô, chống từ đáy hang lên vòm trần như các cột nối từ cõi âm ti lên đỉnh thiên đàng. Các phiến thạch nhũ tạo cho hang động đẹp một cách huyền bí, tâm linh. ở các pho tượng, nhũ đá vừa giống như ma quỷ, vừa như thần linh, nhô lên giữa dòng suối long lanh trong ánh đèn, ánh đuốc. Nhũ đá ở đây không sỉn thành một màu xám như nhiều hang động núi đá vôi, mà sáng trắng và nhiều chỗ lấp lánh muôn hồng ngàn tía rất kỳ lạ.
  • Hệ thống suối và thác nước
Cùng với hệ thống các đỉnh núi cao, hang động, Xuân Sơn còn có hệ thống sông suối như suối Lấp, suối Thang và nhiều thác nước có độ cao trên 50m như hòa quyện cùng với màu xanh của núi rừng khiến cho phong cảnh Xuân Sơn thêm thơ mộng.
+ Suối Tiên: Một dòng suối mát lạnh, xanh biếc được bắt nguồn từ hang Động Tiên, chảy ra tạo thành dòng nước mát lạnh, tạo nên một bãi tắm vô cùng đẹp và thú vị cho du khách thả mình xuống dòng nước suối trong xanh, mát lành vào những ngày hè oi ả.
          + Thác Lưng trời: Ngọn thác nhỏ xinh nơi rừng xa này. Ngọn thác trông như dải lụa buông xuống từ trên dãy núi cao, mang theo dòng nước mát lạnh của mẹ thiên nhiên ban tặng. Vào mùa nước đổ, ngọn thác trở nên mạnh mẽ với cột nước trắng xóa tạo nên thanh âm văng vẳng gần xa như tiếng đàn hát của một cô gái miền cao đầy quyến rũ, ngọt  ngào mà ngất ngây.
        6. Giá vé vườn quốc gia Xuân Sơn tham quan, vào cửa bao nhiêu tiền ?
Hiện tại vé vào cửa vườn quốc gia Xuân Sơn là hoàn toàn miễn phí. Nhưng tại một số điểm tham quan hang động, để hỗ trợ thêm cho dịch vụ điện, vệ sinh,… phục vụ du khách tham quan BQL Vườn quốc gia đã phối hợp với người dân đã tổ chức thu tiền phí vào tham quan:
+ Vé thăm hang: hang Lạng: 10.000 VNĐ/khách; Vé vào Hang Na: 10.000 VNĐ/khách. Vé vào các hang động khác cũng 10.000 VNĐ/khách, có hang miễn phí.
+ Vé gửi xe: 5.000 VNĐ - 10.000 VNĐ/xe máy, phí ở bãi tắm: 10.000 – 20.000 VNĐ/khách.
+ Vé tắm tại bãi tắm: 20.000đ/người.
  1. Đi du lịch Vườn Quốc Gia Xuân Sơn có đặc sản, món ăn gì ngon?
Vườn Quốc Gia Xuân Sơn không chỉ mang đến cho bạn sự bình yên, không khí thanh mát cùng khung cảnh nên thơ hữu tình, xao xuyến con tim. Mà nơi này còn đem đến cho bạn không gian ẩm thực đậm đà bản sắc địa phương, đến nơi đây bạn sẽ được thưởng thức những món ăn ngon, mang màu sắc của núi rừng Phú Thọ nhé:
+ Gà nhiều cựa: tưởng chừng như chỉ có trong câu truyện dân gian “Sơn Tinh - Thủy Tinh”, ấy vậy mà ở nơi đây sở hữu loài gà chín cựa quý hiếm này. Đây là loại gà quý mà chỉ xuất hiện trong những dịp lễ lớn của bà con người Mường, gà có tướng khỏe, uy nghi, nên trở thành biểu tượng cũng như là đặc sản giàu bản sắc vùng đất này.
+ Cơm lam người Mường: Để làm ra được món cơm lam ngon và có dấu ấn riêng của dân tộc mình, người Mường thường rất cầu kỳ, kỹ lưỡng trong việc chọn nguyên liệu. Đầu tiên phải chọn đồ đựng là một ống nứa thon dài khoảng 20- 30cm, không to, không nhỏ, không quá dày cũng không quá mỏng. Vì nếu quá dày nướng sẽ rất lâu, lúc bóc sẽ rất tốn công, còn nếu quá mỏng sẽ dễ bị cháy. Điều đặc biệt nứa phải là cây còn non, bà con lấy luôn nước có ở trong từng đốt ống nứa để nướng cơm, người Mường cho rằng đó là thứ tinh hoa của đất trời còn vương lại. Ống nứa tươi xanh giúp lửa không bén vào gạo và chất nhựa trong vỏ sẽ ngấm sâu vào cơm làm cho cơm có vị ngọt và mùi hương tự nhiên.
+ Rau sắng rừng: vừa là một loại rau phổ biến nơi rừng già Xuân Sơn, đồng thời cũng loại thảo dược có ích cho sức khỏe con người. Rau sắng có thể được chế biến thành nhiều món:xào,luộc,... mang lại vị ngọt, bùi bùi đầy hấp dẫn.
+ Cá suối: Cá sống ở suối được người dân địa phương bắt về. Cá nhỏ, thường được nướng hoặc rán giòn ăn kèm cơm.
+ Vịt lam Xuân Sơn: Món ăn đặc biệt này cũng giống như lam cơm, lam cá, là cách bà con người Mường nấu các món ăn trong những ống tre để trên than, lửa. Nó có vị ngon đặc trưng bởi sự hòa lẫn các loại gia vị Tây Bắc trong ống tre, và quan trọng là không bị bay mất mùi thơm, vị ngon của món ăn. Món vịt nhồi lam ở đây hơn thế, không chỉ thơm ngon mà lại thanh thanh, thơm ngậy nhưng không ngán và không hôi mùi vịt. Nếu đã ghé Xuân Sơn nhất định phải thưởng thức món ăn này nhé.
+ Thịt chua: đến với miền đất Tổ, thịt chua có lẽ là món ăn không thể nào bỏ qua, thịt được rắc thính ủ lên men bằng lá tự nhiên, khi ăn kèm với tương ớt cảm nhận vị chua và dai cùng hương thơm nhè nhẹ chắc chắn sẽ chinh phục được những thực khách khó tính nhất.
+ Lợn mán nướng: thịt lợn mán được nuôi bằng ngô và sắn, không có cám tăng trọng nên thịt ăn rất chắc và ngọt, khi nướng lên cùng lá móc mật vị thơm ngậy lan tỏa khắp chốn đánh thức vị giác của những vị khách phương xa, khi ăn kèm với tương ớt cảm nhận từng vị ngon không thể nào chê của đặc sản này.
+ Cua suối Xuân Sơn: Cua suối hay còn gọi là cua đá sinh sống ở trong các khe núi đá. Cua suối khi nấu chín có màu vàng hồng xen lẫn màu cánh gián, có mùi thơm đặc trưng trộn lẫn hương thơm của cây xả. Cua được bày lên đĩa ăn nóng chấm với muối trắng kèm theo ớt. Không chỉ đẹp mắt mà khi ăn cua rất chắc thịt và mang vị đậm đà.
+ Rau rừng đồ: Rau đồ có thể xem như một món ăn rất truyền thống của người Mường, đồng bào đi làm nương về cũng có thể hái rau rồi làm món ăn này. Điều đặc biệt có các loại rau rừng là rau thuốc có vị đắng, chát vốn có tính nóng và có tác dụng rất tốt trong phòng chống cảm cúm, chống các loại gió độc, tăng sức đề kháng cho cơ thể…. Chỉ từ những sản vật của núi rừng mà người dân nơi đây đã chế biến thành những món ăn cực kỳ hấp dẫn mang hương vị đặc biệt.
  1. Những lưu ý gì quan trọng khi đi du lịch Vườn quốc gia Xuân Sơn
Chuẩn bị cho chuyến đi du lịch Vườn Quốc Gia Xuân Sơn bạn nên bỏ túi thông tin đầy đủ về kinh nghiệm du lịch, lưu ý hữu ích. Và dưới đây là những review cần thiết cho chuyến đi của bạn:
+ Phần lớn các homestay ở các bản tại vườn quốc gia Xuân Sơn chất lượng phòng tiêu chuẩn chỉ bình dân, số lượng phòng cũng không nhiều. Du khách nên liên hệ đặt trước để chắc chắn về số lượng phòng lưu trú và các dịch vụ ăn uống, tiếp đón được chu đáo.
+ Vườn Quốc Gia Xuân Sơn có rất nhiều điểm tham quan, vậy nên du khách hãy lập lộ trình để tham quan sao cho phù hợp với thời gian dự kiến cho chuyến đi.
+ Chuẩn bị đồ đi vườn Quốc Gia Xuân Sơn bạn nên chủ động chuẩn bị một số loại thuốc như thuốc cảm, kem chống côn trùng đốt, thuốc ho, sốt, đau bụng, men tiêu hóa… bên cạnh đó là các vật dụng cá nhân như kem bôi chống nắng, đồ ăn vặt, đồ bơi, sạc pin dự phòng, bàn chải đánh răng, quần áo du lịch phù hợp với chuyến đi tham quan, leo núi trekking rừng.
+ Vào bên trong khu vườn quốc gia Xuân Sơn bạn có thể thoải mái quay phim, chụp ảnh tuy nhiên bạn cũng lưu ý không mạo hiểm check in ở những vị trí dễ trơn trượt, nguy hiểm.
+ Những ngày nắng nóng du khách cũng nên chuẩn bị thêm nước uống, để sử dụng trong quá trình đi bộ tham quan. Vì trong rừng quốc gia không có các hàng quán thuận tiện cho việc mua thêm.
Trên đây là những kinh nghiệm du lịch hữu ích được cập nhật cho du khách đang có dự định đến vườn quốc gia Xuân Sơn du lịch, Bạn có thể tìm hiểu thêm nhiều thông tin hữu ích khác tại https://www.dulichphutho.gov.vn/.
Một số hình ảnh:
Bích Ngọc - Trung tâm TTXT Du lịch
0 Bình luận

Loading...