Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Phú Thọ gắn với phát triển du lịch

19 Tháng 8, 2020 | Nghiên cứu - Trao đổi

Trong Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030, xác định Phú Thọ có 3 sản phẩm du lịch đặc thù, có lợi thế phát triển, đó là: Sản phẩm du lịch văn hóa - tâm linh; du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí; du lịch sinh thái, cộng đồng.

Sản phẩm du lịch văn hóa - tâm linh là sản phẩm du lịch đặc thù, độc đáo duy nhất ở tầm quốc gia, gắn với giá trị Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng - Trung tâm thực hành Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; di tích quốc gia đền Mẫu Âu Cơ; các lễ hội truyền thống tiêu biểu gắn với thời đại Hùng Vương và khai thác giá trị 2 Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan Phú Thọ. Xây dựng thành phố Việt trì trở thành thành phố Lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.

Đối với Phú Thọ - Vùng đất cổ, cái nôi của nền văn hóa Lạc Việt, trung tâm sinh tụ của người Việt Cổ thời các Vua Hùng dựng nước Văn Lang - Miền đất thiêng liêng cội nguồn dân tộc Việt Nam trải qua mấy ngàn năm lịch sử còn lưu giữ rất nhiều giá trị di sản văn hóa vô cùng phong phú, đặc biệt là các di sản văn hóa gắn với thời đại Hùng Vương - Đặc trưng của vùng đất Cội nguồn dân tộc. Với dòng chảy văn hóa cội nguồn, Phú Thọ chứa đựng đậm đặc hệ thống di tích lịch sử - văn hóa với 318 di tích được nhà nước xếp hạng (Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng, 73 di tích quốc gia và 244 di tích cấp tỉnh); lễ hội dày đặc với 369 lễ hội ( 254 lễ hội truyền thống, 4 lễ hội văn hóa). Lễ hội truyền thống trên địa bàn tỉnh Phú Thọ rất phong phú, đa dạng, có nguồn gốc lịch sử từ xa xưa, tái hiện những sinh hoạt nông nghiệp, những sự kiện lịch sử, với nghi lễ, trò diễn được cử hành như một nghi thức tưởng niệm, thờ cúng các Vua Hùng đã có công mở nước, các nhân vật lịch sử đã có công với dân với nước, những người khai thiên lập địa, dựng làng, dựng nước; thể hiện tín ngưỡng phồn thực, tín ngưỡng vạn vật hữu linh, tín ngưỡng thờ thành hoàng, tín ngưỡng thờ tổ tiên, tín ngưỡng thờ Mẫu…

tuong mau au co

Bảo vật quốc gia tượng Mẫu Âu Cơ (Ảnh: Phòng QLDSVH)

Du lịch văn hóa - tâm linh ở Phú Thọ gắn với tín ngưỡng thờ cúng, tri ân những vị anh hùng dân tộc, những bậc tiền nhân có công với dân  với nước, trở thành du lịch về cội nguồn dân tộc với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Đó là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng - Trung tâm thực hành cao nhất Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương với Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng mang tầm quốc gia, lan tỏa sự ảnh hưởng đến mọi miền đất nước, cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Với du khách các nước, đến với Đền Hùng là đến với điểm du lịch thiêng liêng để hiểu được, khám phá được những đặc thù của cội nguồn lịch sử một dân tộc anh hùng. Với người dân đất Việt, về Đền Hùng, về với Đất Tổ Phú Thọ không chỉ là một tuor du lịch mà là hành hương về cội nguồn, về với quê cha Đất Tổ với sự thành kính thiêng liêng với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. 

Tiếp đến, hệ thống di tích lịch sử - văn hóa, lễ hội dân gian gắn với di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại Hát Xoan Phú Thọ. Đó là miếu Lãi Lèn (nơi phát tích của Hát Xoan), đình Thét, đình Kim Đái, đình An Thái với tập tục Hát Xoan thờ cúng Vua Hùng của các phường Xoan Phù Đức, Thét, Kim Đái (xã Kim Đức) và An Thái (xã Phượng Lâu).

Các di tích lịch sử - văn hóa gắn với các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nằm trong không gian văn hóa Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã và đang là điểm nhấn du lịch văn hóa - tâm linh đặc trưng: Đền Mẫu Âu Cơ (xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa) - Bảo vật quốc gia Tượng Mẫu Âu Cơ - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Tín ngưỡng thờ Quốc Mẫu Âu Cơ; Di tích đền Lăng Sương (xã Đồng Trung, huyện Thanh Thủy) - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội đền Lăng Sương thấm đẫm huyền thoại về vùng đất nơi đã sinh thành và nuôi dưỡng Đức Thánh Tản Viên - Vị thần đứng đầu trong Tứ bất tử của tín ngưỡng bản địa. Di tích đình Đào Xá (xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy), công trình kiến trúc nghệ thuật có niên đại cuối thế kỷ XVII - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Đào Xá... Với tính ngưỡng phồn thực và tục thờ sinh thờ khí thiêng liêng có di tích miếu Trò (xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao) và Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ hội Trò Trám (xã Tứ Xã), kính cẩn, thiêng liêng về nghi lễ và diễn trò trình nghề Tứ dân chi nghiệp sảng khoái, đầy sáng tạo dân gian ở phần hội, đã được các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đánh giá là lễ hội đặc sắc nhất trong dòng lễ hội mang hình dáng tính ngưỡng phồn thực ở Miền Bắc… Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Bạch Hạc, đền Tam Giang với cổ tục rước nước vào ban đêm ở Ngã ba Hạc và hội bơi chải náo nhiệt một vùng sông nước; di tích đình Hùng Lô (xã Hùng Lô), quần thể kiến trúc nghệ thuật thế kỷ XVII với lễ hội rước kiệu, dâng lễ vật thờ cúng các vua Hùng về Đền Hùng vào ngày Giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10 tháng Ba… Và di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số với những lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc đặc trưng. Đó là Tết Doi - Lễ hội xuống đồng của đồng bào dân tộc Mường, xã Thu Cúc với nghi thức rước, cúng vía lúa; lễ hội của đồng bào dân tộc H,mong bản Mỹ Á, xã Thu Cúc với điệu múa khèn bè đặc sắc. Các lễ hội của đồng bào dân tộc Mường với những nghi thức, diễn xướng dân gian diễn tấu cồng chiêng kép, múa trống đu, chạm ống, hát rang, hát ví, ném còn…gắn với lễ hội đình Thạch Khoán, lễ hội đình Lưa (huyện Thanh Sơn). Huyện Yên Lập có lễ hội Mở cửa rừng của đồng bào dân tộc Mường, xã Minh Hòa bắt đầu một mùa mới vào rừng hái lượm và săn bắt thú, với các nghi thức cúng lễ, diễn xướng dân gian đặc sắc (săn thú, cồng chiêng, trống đu, hò đu…). Đồng bào dân tộc Dao ở các huyện Tân Sơn, Thanh Sơn và Yên Lập còn có tập quán xã hội với Lễ cấp sắc, Tết nhảy đặc trưng được tổ chức nhiều trong thời gian từ tháng Chạp năm trước đến các tháng mùa xuân năm sau.

9

Lễ hội Trò Trám( Ảnh: Hữu Sơn)

Phú Thọ đã và đang có những chủ trương, chính sách, biện pháp hữu hiệu để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa bền vững với một tầm nhìn mới trong thời kỳ hội nhập và phát triển của đất nước. Nhiều di tích tiêu biểu là không gian văn hóa để bảo tồn, phát huy giá trị di sản phi vật thể được đầu tư quy hoạch, tu bổ, phục hồi đã và đang trở thành những sản phẩm du lịch - văn hóa hoàn chỉnh có tính đặc thù, tạo ra những điểm, tuyến du lịch hấp dẫn thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, đóng góp vào phát triển du lịch và kinh tế - xã hội ở địa phương, tạo được việc làm nâng cao đời sống của nhân dân địa phương nơi có di tích và lễ hội. Nhiều hoạt động văn hóa truyền thống được khôi phục, nhiều lễ hội truyền thống đã trở thành biểu tượng văn hoá tâm linh, độc đáo như: Lễ hội Đền Hùng, lễ hội đền Mẫu Âu Cơ, lễ hội Trò Trám, lễ hội Đào Xá…., quy tụ những sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc, tiêu biểu của các vùng, miền trong cả nước, kết hợp được nội dung giáo dục truyền thống với sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Đặc biệt đối với hai di sản VHPVT đại diện của nhân loại ở Phú Thọ được UNESCO ghi danh, Phú Thọ đã và đang nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị hiệu quả bằng chương trình hành động, kế hoạch cụ thể, trở thành điểm nhấn thu hút du khách, tạo nên thương hiệu riêng của Phú Thọ về di sản. Đồng thời, xác định rõ di sản văn hóa là thế mạnh, việc bảo tồn di sản văn hóa vùng đất Tổ phải làm nền tảng cho kinh tế du lịch, dịch vụ phát triển, tỉnh Phú Thọ đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến phát triển du lịch cội nguồn, chú trọng kết nối di sản văn hóa với du lịch cội nguồn và đạt được những kết quả khả quan. Đã có nhiều hoạt động quảng bá, tôn vinh, phát huy giá trị của di sản thông qua du lịch và ngược lại du lịch có đóng góp đáng kể trong quảng bá giới thiệu di sản, đóng góp trong bảo tồn, phát huy các giá trị di sản. Trong số các sản phẩm tour tuyến du lịch do các công ty lữ hành trong và ngoài tỉnh xây dựng, các điểm đến di sản văn hóa chiếm tỷ trọng lớn, đặc biệt là hai di sản VHPVT của nhân loại là Hát Xoan Phú Thọ và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ - Việt Nam.

Sự kết nối ở đây không chỉ đơn thuần là việc kết nối các di tích, di sản văn hóa mà đó còn là sự kết nối giữa các ngành, các địa phương; kết nối giữa cư dân các điểm du lịch - các phường Xoan với du khách; kết nối giữa các hoạt động quản lý, khai thác văn hóa, du lịch với kinh tế… và đặc biệt là sự kết nối giữa các tỉnh, vùng, miền trong Chương trình “Về miền lễ hội cội nguồn dân tộc Việt Nam”, “Chương trình du lịch 8 tỉnh Tây Bắc”, “Chương trình hợp tác phát triển tuyến du lịch tâm linh dọc Sông Hồng 3 tỉnh Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ”. Ttrong đó tập trung kết nối giữa các địa danh, di sản văn hóa biểu biểu của các tỉnh; xây dựng trang Web cho du lịch cội nguồn của tỉnh nhằm tăng cường, quảng bá, cung cấp thông tin về du lịch cội nguồn, về những địa chỉ/sản phẩm văn hóa - du lịch đặc thù, những điểm đến du lịch văn hóa tâm linh, sinh thái ...hấp dẫn  ở tỉnh Phú Thọ tới các cơ quan thông tấn, báo chí, đơn vị truyền thông, các Hãng lữ hành... nhằm tăng cường hiệu quả lan toả của công tác tuyên truyền. Thông qua đó kết nối, đảm bảo để khách du lịch trong nước, quốc tế có thể tiếp cận với di sản văn hóa vùng đất Tổ; tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa cội nguồn để xây dựng thương hiệu du lịch của Phú Thọ. 

Như vậy, trải qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, kho tàng di sản văn hóa phong phú trên vùng đất Tổ đã tạo nên cốt cách, bản sắc và trở thành những điểm du lịch văn hóa - tâm linh hấp dẫn du khách. Trong xu hướng phát triển chung, loại hình du lịch văn hóa - tâm linh với các tour hành hương về đất Tổ, tham quan vùng văn hóa với các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, trải nghiệm trong không gian lễ hội truyền thống, sinh hoạt văn hóa dân gian… đã và đang được tổ chức ngày càng nhiều. Định hướng về du lịch văn hóa - tâm linh gắn liền với các di tích lịch sử - văn hóa, lễ hội truyền thống là các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, như thờ cúng tổ tiên, dòng tộc, tri ân anh dùng dân tộc, danh nhân, hoặc lễ bái, cầu xin những điều tốt lành cho con người, cho quốc thái dân an; cần khai thác những giá trị nổi trội về di sản văn hóa, phát huy những giá trị văn hóa tâm linh trở thành yếu tố hấp dẫn đặc sắc tạo sự đa dạng cho du lịch Phú Thọ, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững./.

Lê Thoa -Trưởng phòng QLDSVH (Sở VHTTDL)

0 Bình luận

Loading...