Nơi lưu giữ những huyền thoại vùng Đất Tổ

25 Tháng 8, 2020 | Nghiên cứu - Trao đổi

1-95

Cán bộ phòng Quản lý di tích văn hóa lễ hội - Khu Di tích lịch sử Đền Hùng thường xuyên vệ sinh, giữ gìn, bảo quản tốt các hiện vật tại Bảo tàng Hùng Vương.

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng từ lâu đã trở thành biểu tượng văn hoá tâm linh, tín ngưỡng, điểm hội tụ tinh thần đại đoàn kết của cộng đồng các  dân tộc Việt Nam và đi sâu vào tiềm thức mỗi người dân đất Việt khi chúng ta trở về với cội nguồn để tri ân công đức tổ tiên, đồng thời thắp nén tâm nhang tưởng nhớ về tiên tổ, những bậc tiền nhân đã có công khai nền lập quốc. Trong hành trình về với nguồn cội, du khách không thể bỏ qua điểm dừng chân thú vị bên núi Nghĩa Lĩnh, đó là Bảo tàng Hùng Vương với hàng nghìn tài liệu, hiện vật trưng bày giúp tái hiện cuộc sống, sinh hoạt của cư dân thời đại Hùng Vương cùng Nhà nước Văn Lang xưa.

Được khánh thành cách đây hơn 20 năm, Bảo tàng Hùng Vương có kiến trúc hình vuông như chiếc bánh chưng khổng lồ tượng trưng cho trời đất. Giữa tầng một thiết kế hình tròn, trưng bày chiếc trống đồng lớn được đúc mô phỏng theo trống đồng loại I Hegơ, mang ý nghĩa tượng trưng cho trời. Theo quan niệm của tổ tiên người Việt cổ: Trời tròn, đất vuông. Hiện, Bảo tàng là nơi lưu giữ, bảo quản trên 4.000 tài liệu, hiện vật quý, được trưng bày tại 5 phòng, khắc họa và làm nổi bật theo các chủ đề: Đất nước, con người thời nguyên thủy; bắt đầu thời dựng nước; sự nghiệp dựng nước Văn Lang của các Vua Hùng; Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đền Hùng. Các hiện vật trưng bày được lựa chọn từ 4 giai đoạn văn hóa tiêu biểu là: Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn. Trong đó, hiện vật thuộc giai đoạn văn hóa Đồng Đậu tại bảo tàng được sưu tập khá phong phú, qua đó góp phần quan trọng cung cấp những kiến thức về một giai đoạn văn hóa cách ngày nay hàng nghìn năm lịch sử: Cư dân thời kỳ văn hóa Đồng Đậu là cư dân nông nghiệp, sống định cư và làm ruộng ven chân đồi gò, chăn nuôi gia súc, khai thác những sản vật tự nhiên để đảm bảo cuộc sống định cư lâu dài. Đặc trưng cơ bản của văn hóa Đồng Đậu là sử dụng công cụ xương, sừng để chế tác thành các dụng cụ như mũi tên, mũi lao có ngạnh. Cuộc sống vật chất và tinh thần của người Đồng Đậu đã rất phong phú, có sự giao lưu trao đổi giữa các vùng khác ở nước ta. Mối quan hệ nhiều chiều qua lại giữa các vùng là một quá trình tất yếu của quy luật phát triển nhân loại.

2-66

Bên trong bảo tàng Hùng Vương.

Văn hóa Phùng Nguyên được phát hiện từ năm 1959, giai đoạn này có ý nghĩa rất quan trọng với khảo cổ Việt Nam và khu vực Đông Nam Á - Đó là sự mở đầu cho thời đại đồng thau Việt Nam, là nhân tố quan trọng trong quá trình hình thành văn hóa Đông Sơn, văn hóa khởi đầu của Nhà nước và dân tộc Việt Nam. Từ khi phát hiện, Bảo tàng Hùng Vương đã phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị tiến hành khai quật và đưa về lưu giữ, trưng bày, giới thiệu những di vật, hiện vật được chế tác từ chất liệu gốm, đá, xương, sừng... với hàng loạt kiểu loại khác nhau phản ánh trình độ phát triển tương đối cao về thẩm mỹ, nhận thức và ý thức cộng đồng của cư dân Phùng Nguyên. Các hiện vật Phùng Nguyên tại Bảo tàng Hùng Vương là một bức tranh sinh động về một thời kỳ lịch sử quan trọng- thời kỳ tiền Hùng Vương dựng nước.

3-53

Giai đoạn văn hóa Đông Sơn được tái hiện sinh động tại Bảo tàng qua những hiện vật trưng bày lựa chọn từ các di chỉ khảo cổ học tiêu biểu của tỉnh như: Làng Cả (thành phố Việt Trì), gò De (xã Thanh Đình)… Nền văn hóa này có rất nhiều loại hình: Di chỉ cư trú, di chỉ mộ táng, di chỉ xưởng… trong đó, đồ đồng là di vật đặc trưng nhất. Qua những chiếc trống đồng - di vật lịch sử đặc sắc và độc đáo chúng ta còn thấy được nhiều sinh hoạt văn hóa, kinh tế của thời kỳ này như giao thông vận tải từ thời Hùng Vương quan trọng là đường thủy, vì vậy con thuyền Đông Sơn trên trống đồng là hình ảnh thân thuộc của con người Việt Nam với dòng sông, bến nước, cây đa. Từ truyền thống với huyền thoại giỏi thủy chiến thời Vua Hùng, dân tộc Việt đã phát huy tài “lặn giỏi, bơi tài” của quân sỹ thời Nguyễn, thời Trần với những chiến công Bạch Đằng Giang vang dội chôn vùi mộng xâm lăng của các thế lực bá quyền. Có thể nói đây là giai đoạn đỉnh cao được phát triển từ các văn hóa tiền Đông Sơn trước đó như: Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, âm vang văn minh sông Hồng vẫn còn vang vọng đến ngày nay, trong ngày hội hàng năm tại Đền Hùng- đó là tiếng trống, tiếng chiêng... Dòng máu con Lạc cháu Hồng còn chảy mãi trong tim, chúng ta tự hào không ở đâu trên trái đất này được như dân tộc Việt Nam có một tổ tiên chung, một ngôi mộ Tổ Vua Hùng, ngôi đền thờ chung, để ngày 10/3 hàng năm con cháu cả nước hành hương về Giỗ Tổ.

Là giai đoạn nối tiếp giữa văn hóa Phùng Nguyên và Đông Sơn, văn hóa Gò Mun cũng được phản ánh đậm nét qua các hiện vật đang trưng bày tại Bảo tàng. Những hiện vật đang lưu giữ tại Bảo tàng thuộc thời kỳ văn hóa Gò Mun chủ yếu là đồ gốm, đồ đá, đồ đồng, không chỉ phong phú về chất liệu mà còn đa dạng cả về loại hình công cụ, đồ dùng, sinh hoạt cũng như nghệ thuật trang trí, đã tạo thành phong cách riêng. Đặc trưng nhất là công cụ, dụng cụ sinh hoạt của 3 chất liệu cơ bản đồ đồng, đồ đá, đồ gốm. 

4-32

Từ những hiện vật trưng bày tại Bảo tàng, chúng ta có thể hình dung sự ra đời của Nhà nước Văn Lang. Vào những thế kỷ đầu tiên của thiên niên kỷ thứ nhất trước công nguyên, với sự phát triển của kỹ thuật luyện kim đồ đồng Đông Sơn đạt đỉnh cao, cư dân Việt cổ lúc ấy đã có nền sản xuất tiến bộ, dẫn đến sự dư thừa của cải và xuất hiện tầng lớp người giàu có hơn, kết hợp nạn xâm lấn từ phương Bắc tràn xuống. Vì vậy, con người lúc này có nhu cầu cần liên minh với nhau để trị thủy và đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Khi đó thủ lĩnh bộ lạc Văn Lang là bộ lạc mạnh nhất đã đứng ra thống nhất các bộ lạc khác. Thủ lĩnh nước Văn Lang ngày nay chúng ta gọi là Vua Hùng. Qua các tư liệu, hiện vật trưng bày tại Bảo tàng đã phản ánh rõ nét bộ máy Nhà nước Văn Lang.

5-27

Về với Đền Hùng, du khách hãy dành thời gian dừng chân ghé thăm Bảo tàng để cảm nhận và có cái nhìn đầy đủ, sâu sắc nhất về lịch sử dựng nước của cha ông để cùng thấm sâu lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

(Nguồn: baophutho.vn)

0 Bình luận

Loading...