21 Tháng 8, 2020 | Nghiên cứu - Trao đổi
Phát triển nguồn nhân lực du lịch là những hoạt động nhằm tăng cường số lượng và nâng cao chất lượng, hiệu quả làm việc của lực lượng lao động đang và sẽ làm việc trực tiếp trong ngành du lịch, bao gồm: lao động thuộc các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch và các đơn vị sự nghiệp trong ngành từ trung ương đến địa phương, lao động trong các doanh nghiệp du lịch gồm đội ngũ cán bộ quản trị kinh doanh, đội ngũ lao động nghiệp vụ trong các khách sạn - nhà hàng, công ty lữ hành, vận chuyển du lịch..., lao động làm công tác đào tạo du lịch trong các trường dạy nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học. Nguồn nhân lực du lịch có chất lượng cao là yếu tố cực kỳ quan trọng để đạt năng lực cạnh tranh cao của điểm đến du lịch nói chung và mỗi doanh nghiệp nói riêng.
Tỉnh Phú Thọ xác định phát triển du lịch là một trong bốn khâu đột phá của địa phương, trong đó phát triển nguồn nhân lực du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển du lịch Phú Thọ. Do đó, trong gần 5 năm qua, công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch tại các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh được thực hiện chuyên sâu hơn, chương trình đào tạo nghề chú trọng đào tạo kỹ năng thực hành cho sinh viên. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch đã tổ chức thành công Hội thi Tay nghề Du lịch tỉnh Phú Thọ lần thứ nhất với 05 nghề du lịch, đã cử thí sinh tham dự vòng thi cấp khu vực miền Bắc đạt giải cao. Tổ chức Hội thi Hướng dẫn viên tại điểm thu hút 54 thí sinh tham dự, những nhân tố nòng cốt để đào tạo nguồn nhân lực du lịch về hướng dẫn viên du lịch tại các điểm du lịch trong tỉnh, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, nâng cao lòng tự hào về truyền thống văn hóa, lịch sử cội nguồn dân tộc, quảng bá rộng rãi về văn hóa vùng đất Tổ đến với du khách trong nước và quốc tế. Công tác tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho lực lượng lao động trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh cũng được chú trọng với trên 20 lớp tập huấn cho gần 2.000 lượt học viên tham dự. Hiệp hội Du lịch, các doanh nghiệp du lịch chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch tại đơn vị với việc đào tạo tại chỗ, đào tạo theo hệ thống của đơn vị như Khách sạn Sài Gòn – Phú Thọ, khách sạn Mường Thanh Phú Thọ… góp phần tăng tỷ lệ lao động trực tiếp trong ngành du lịch đã qua đào tạo và tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch từ 45% lên 55%.
Trong giai đoạn hiện nay, công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch không chỉ bó gọn trong nhu cầu phát triển của đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch, của riêng điểm đến hay địa phương nào mà đã nâng tầm khu vực và quốc tế. Thoả thuận thừa nhận lẫn nhau trong ASEAN mà Việt Nam là quốc gia thành viên, về nghề du lịch (MRA-TP), được xây dựng nhằm cho phép chuyển dịch việc làm của người lao động du lịch lành nghề giữa các quốc gia thành viên và để công nhận các kỹ năng và văn bằng của người lao động du lịch từ các quốc gia thành viên khác trong ASEAN bắt đầu có hiệu lực năm 2016. Đây vừa là cơ hội cũng là thách thức cho các nước Asean, trong đó có Việt Nam. Nếu lao động trong nước không nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng thực hành thì họ sẽ thua ngay trên chính sân nhà, hậu quả là sẽ nhiều người mất việc làm. Mặt khác, các doanh nghiệp du lịch ASEAN sẽ có cơ hội thu hút lao động có tay nghề của Việt Nam. Điều này cũng có nghĩa nếu doanh nghiệp du lịch trong nước không đổi mới, không phát triển để giữ chân lao động có tay nghề, thì sẽ mất đi nguồn lao động có kỹ năng nghề trong nước, chất lượng dịch vụ và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp cũng sẽ bị suy giảm.
Trước thực tế này, các cơ sở đào tạo, dạy nghề trong nước nói chung, tại Phú Thọ nói riêng đã và đang rà soát chương trình đào tạo và văn bằng để đảm bảo rằng phù hợp hoặc liên kết với chương trình du lịch chung ASEAN, nhằm cấp ra những văn bằng tương đương cho sinh viên hoặc người thực tập. Bên cạnh đó, các chương trình đào tạo tại một số doanh nghiệp cũng điều chỉnh hoặc bám sát các yêu cầu ngày càng cao trong hoạt động du lịch.
Trường Đại học Hùng Vương là trường đại học đa ngành nghề và lĩnh vực đào tạo với các ngành mũi nhọn và mô hình đào tạo tiên tiến là liên kết hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp, trong đó có ngành du lịch. Trong những năm gần đây, Nhà trường đã triển khai đào tạo các ngành đáp ứng nhu cầu lớn về nguồn nhân lực cho tỉnh và khu vực, đó là hướng dẫn du lịch, quản trị dịch vụ lưu trú, quản trị sự kiện và lễ hội, quản trị dịch vụ lữ hành.
Để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch, Nhà trường đã có những bước cải tiến quan trọng như:
CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO bám sát thực tế ngành nghề;
MÔI TRƯỜNG ĐÀO TẠO chuyên nghiệp, năng động, sáng tạo.
Đặc biệt là, MÔ HÌNH ĐÀO TẠO hiện đại, linh hoạt, tối ưu với đội ngũ GIẢNG VIÊN năng động, nhiệt tình, vững vàng chuyên môn kết hợp với đội ngũ ĐÀO TẠO VIÊN TRỰC TIẾP là quản lí, giám sát, trưởng bộ phận tại các doanh nghiệp.
Việc đổi mới trong công tác đào tạo, thực hành, thực tập (trong và ngoài nước) luôn được cải tiến, cập nhật để phù hợp với tình hình mới. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo công văn số 4929/BGDĐT- GDĐH về việc áp dụng cơ chế đặc thù đào tạo các ngành về du lịch, Khoa chuyên môn đã xây dựng Đề án kịp thời để hoàn toàn chủ động trong việc triển khai chương trình đào tạo theo tỉ lệ: 50% thời lượng chương trình đào tạo trong trường, 50% thời lượng chương trình đào tạo tại doanh nghiệp. Cụ thể là:
- Thời gian đào tạo chỉ còn 03 năm với 03 kì học chính thức trên một năm học;
- Chương trình đào tạo được xây dựng lại hoàn toàn theo hướng gắn lí thuyết với thực hành, thực tế, gắn kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường;
- Kí kết đào tạo với các tập đoàn có uy tín trong lĩnh vực du lịch và dịch vụ như Sungroup, Vingroup, Sông Hồng Thủ Đô, Saigontourist, Mường Thanh...;
- Cam kết đầu ra cho người học: bồi hoàn kinh phí đào tạo nếu tốt nghiệp 6 tháng không có việc làm.
Sinh viên ngành du lịch của Trường Đại học Hùng Vương ngay từ năm thứ nhất đã được đào tạo trực tiếp toàn thời gian trong mùa hè tại doanh nghiệp với các nghiệp vụ nhà hàng, bar, cà phê, buồng, lễ tân, sự kiện, lữ hành…Các sinh viên được tham gia trực tiếp mọi công việc của các bộ phận nghiệp vụ như một nhân viên, được giám sát, hướng dẫn, kèm cặp để có tác phong, thái độ, kĩ năng, kiến thức theo tiêu chuẩn dịch vụ của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có vai trò vừa là đơn vị tuyển dụng, vừa là đơn vị trực tiếp đào tạo nghề.
Mô hình đào tạo hợp tác giữa TRƯỜNG và DOANH NGHIỆP được triển khai ở 3 cấp độ.
CẤP ĐỘ MỘT: ĐÀO TẠO LÍ THUYẾT TRỰC QUAN song song với thực hành tại phòng học thực hành nghề trong trường;
CẤP ĐỘ HAI: Đào tạo RÈN NGHỀ QUA MÔI TRƯỜNG VẬN HÀNH THỰC TẾ TRONG TRƯỜNG (Trung tâm sự kiện (tiệc, hội nghị, hội thảo), coffee shop, tour trải nghiệm…);
CẤP ĐỘ BA: ĐÀO TẠO TRỰC TIẾP HOÀN TOÀN TẠI DOANH NGHIỆP (các khách sạn, resort tiêu chuẩn 4 - 5*, các công ty lữ hành, tập đoàn uy tín) với 50% THỜI LƯỢNG CHƯƠNG TRÌNH DÀNH CHO CHUYÊN NGÀNH.
Ưu điểm của mô hình đào tạo này là:
Sinh viên được học trực tiếp tại môi trường vận hành thực sự trong nghề. Đó là những cơ sở dịch vụ du lịch tiêu chuẩn cao trong ngành du lịch với quy trình phục vụ và chất lượng dịch vụ chuyên nghiệp (doanh nghiệp du lịch, khách sạn, resort, nhà hàng cao cấp từ 4-5*).
Sinh viên du lịch được đào tạo theo phương pháp mới đối với bậc đại học:
- ĐÀO TẠO CẦM TAY CHỈ VIỆC (on job training) ngay từ năm thứ nhất;
- ĐÀO TẠO CHÉO GIỮA CÁC BỘ PHẬN NGHIỆP VỤ (cross training) để có được trải nghiệm toàn diện và định hình tư duy quản trị dịch vụ.
Quy trình và sản phẩm đào tạo của Nhà trường hướng tới việc đáp ứng xu hướng hội nhập và đòi hỏi ngày càng khắt khe hơn của thị trường lao động trong ngành du lịch. Những nỗ lực nêu trên đã góp phần hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch của tỉnh Phú Thọ và khu vực trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.
Một số hình ảnh đào tạo nhân lực du lịch của Trường:
SV học nghiệp vụ housekeeping tại Sông Hồng thủ đô Resort.
Học thực hành phục vụ đồ uống tại Cà phê Synary trong trường
Đánh giá toàn diện kỹ năng nghiệp vụ tại trường sau kỳ học tại doanh nghiệp.
SV chuyên ngành Quản trị sư kiện trực tiếp tham gia thiết kế, chuẩn bị và phục vụ tiệc mặn, tiệc trà cho sự kiện, hội thảo.
Nguyễn Thị Huyền - Trưởng Bộ môn VHDL Trường ĐH Hùng Vương
Danh mục
Bài viết nổi bật
Loading...