Liên kết phát triển du lịch - Nhu cầu và xu thế

07 Tháng 9, 2020 | Nghiên cứu - Trao đổi

11-1599445382

Các sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch phong phú làm tăng sức cạnh tranh, thu hút du khách đến với vùng Đất Tổ.

PTĐT - Ngày nay, hoạt động du lịch không chỉ dừng lại ở việc khám phá những cái mới, những nét “độc và lạ”, đơn vị kinh doanh du lịch không chỉ hình thành và phát triển theo kiểu “đơn thương, độc mã” do nhu cầu ngày càng cao của du khách mà còn cần phải liên kết du lịch bởi đây là xu hướng tất yếu, vừa là cơ hội, vừa là thách thức để các địa phương, doanh nghiệp, người dân… khai thác lợi thế, tiềm năng, đưa du lịch phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Với gần 1.400 di tích văn hóa, lịch sử và các địa điểm liên quan đến di tích, trong đó có một di tích được xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt; 72 di tích cấp quốc gia; 209 di tích cấp tỉnh; 260 lễ hội mang nét văn hóa đặc trưng vùng Đất Tổ…  Phú Thọ được đánh giá là địa phương có tiềm năng lớn cho phát triển “ngành công nghiệp không khói”. Đặc biệt, Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng và hai Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO công nhận là: “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” và “Hát Xoan Phú Thọ” tạo điểm nhấn để Phú Thọ xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù. Cùng với những điều kiện tự nhiên, Phú Thọ còn có thể phát triển đa dạng các loại hình du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử, tham quan, nghỉ dưỡng… nhằm tạo sự đột phá theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII. 

Tuy nhiên, so với thủ đô Hà Nội và các thành phố lớn, việc phát triển du lịch của Phú Thọ còn nhiều hạn chế do điều kiện của tỉnh miền núi, quy mô kinh tế nhỏ, nguồn lực đầu tư khó khăn nên các tài nguyên thiên nhiên, môi trường du lịch… dễ đứng trước nguy cơ bị xuống cấp, lãng phí. Hơn nữa, hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất du lịch chưa đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao, ảnh hưởng đến môi trường phát triển du lịch… 

Khi xu hướng du lịch hiện đại không đơn thuần là giới thiệu những “thứ mình có” mà phải đáp ứng đầy đủ những yêu cầu của du khách, đời sống xã hội ngày càng phát triển thì những yêu cầu ấy ngày càng tăng cao. Việc tận dụng tốt thế mạnh về vị trí địa lý, nguồn lực, tiềm năng phát triển và kết nối các chuỗi giá trị để tạo thành những sản phẩm du lịch hấp dẫn theo từng nhóm, loại hình cung cấp cho du khách chính là nhu cầu, xu hướng tất yếu “chìa khoá” để phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, bền vững. Cái “bắt tay” của các địa phương, doanh nghiệp du lịch và nhân dân trong hoạt động liên kết du lịch mở ra cơ hội tốt cho ngành du lịch tận dụng cơ hội để thu hút du khách. 

Có thể thấy, từ hoạt động liên kết du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng hay chương trình “Du lịch về nguồn” được liên kết giữa 3 tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai không những thu hút số lượng lớn khách du lịch, đóng góp cho sự phát triển chung của các địa phương mà còn trở thành thương hiệu, được đánh giá cao trong cả nước khi cung cấp đủ các sản phẩm trong hành trình dài ngày của du khách quốc tế. Cùng với sự vào cuộc đồng bộ của các địa phương, cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông, các khách sạn, nhà hàng, cơ sở lưu trú ở mức trung, cao cấp mọc lên, diện mạo các địa phương cùng đổi thay rõ nét. Kéo theo đó là quy mô của hoạt động du lịch cũng được mở rộng khi nhiều địa phương cùng vào cuộc, phối hợp trong hoạt động giới thiệu, quảng bá sản phẩm du lịch; các hội, hiệp hội, câu lạc bộ, doanh nghiệp du lịch từ đó cũng phát triển hơn cả về số lượng và giá trị kinh tế… 

2-71

Phú Thọ có thể phát triển đa dạng các loại hình du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử, tham quan, nghỉ dưỡng…
-Đồi chè Long Cốc, huyện Tân Sơn

Ông Nguyễn Đức Hòa - Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh cho biết: Từ các chính sách đồng bộ giữa nhiều địa phương, nhiều doanh nghiệp trong hoạt động liên kết du lịch sẽ khắc phục những điểm còn thiếu và yếu, hạn chế được kiểu làm ăn “chộp giật” của các cơ sở kinh doanh, câu chuyện “cá lớn nuốt cá bé” khi cạnh tranh về giá cũng sẽ bị kìm chế… hướng tới việc các cơ sở kinh doanh du lịch chia sẻ lợi ích để cùng phát triển. Trong hoạt động này, các “ông lớn” của ngành du lịch luôn biết cách tận dụng cơ hội để liên kết, tìm hiểu, nắm bắt kịp thời, nhận thức rõ về các hoạt động, từ đó có thể kết nối, xây dựng, cung cấp những sản phẩm du lịch độc đáo, giá cả cạnh tranh và thu hút lượng khách lớn. Tuy nhiên, những doanh nghiệp, đơn vị nhỏ chưa chủ động trong việc nắm bắt cơ hội liên kết, đó là “yếu điểm” cần khắc phục để cùng làm du lịch”.

Được biết, trong tháng 7 vừa qua, sau khi tổ chức khảo sát các điểm du lịch tiêu biểu trên tuyến Phú Thọ - Yên Bái - Lào Cai - Điện Biên - Sơn La - Hòa Bình với chủ đề “Về miền Đất Tổ - Cội nguồn dân tộc”, ngành du lịch Phú Thọ đã triển khai thỏa thuận hợp tác với các đơn vị lữ hành hàng đầu thành phố Hồ Chí Minh như Saigontourist; Hanoitourist; Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch thành phố Hồ Chí Minh… nhằm liên kết, quảng bá hình ảnh du lịch Phú Thọ. Các nội dung liên kết, trao đổi thông tin tour - tuyến du lịch Phú Thọ được đưa đến các đơn vị lữ hành nhằm giới thiệu, chào bán tour du lịch Phú Thọ, tour du lịch Đông - Tây Bắc gắn với du lịch Phú Thọ đến thị trường khách du lịch miền Nam, mở ra cơ hội lớn trong việc thu hút du khách ở thị trường phía Nam. 

Anh Hà Văn Quỳnh - người kinh doanh homestay ở xóm Dù, xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn chia sẻ: “Hoạt động liên kết giữa các tỉnh, các doanh nghiệp, đơn vị… thu hút lượng khách lớn, chia sẻ tới những mô hình nhỏ theo từng tour du lịch. Nhìn chung, giá các dịch vụ trong toàn tour sẽ rẻ hơn, trong khi chất lượng phục vụ phải đảm bảo và phong phú hơn, bù lại, với lượng khách đều và chủ động hơn thì lợi nhuận sẽ tăng. Đây cũng là thử thách đối với các cơ sở kinh doanh du lịch nhỏ, phải thay đổi, hướng tới làm việc chuyên nghiệp thì mới đủ điều kiện liên kết, trước tiên là với các đơn vị, doanh nghiệp du lịch và đáp ứng được yêu cầu của du khách”.

Dưới chủ trương chính sách sự quan tâm đặc biệt dành cho việc phát triển “ngành công nghiệp không khói” của tỉnh, có thể thấy sự hợp tác, liên kết phát triển du lịch thời gian qua đã trở thành nhu cầu tất yếu và đạt được những kết quả khả quan. Tuy nhiên, để việc liên kết phát triển du lịch thực sự hiệu quả, tạo hiệu ứng và giá trị kinh tế lớn, các doanh nghiệp, đơn vị, cơ sở, làng nghề… vẫn còn nhiều việc cần làm, đặc biệt là phát triển nguồn nhân lực và xây dựng các sản phẩm du lịch, trong đó, cần xác định thị trường trọng điểm, sản phẩm khác biệt, nổi bật, đủ sức cạnh tranh, “kéo” khách lưu trú…

(Nguồn: baophutho.vn)

0 Bình luận

Loading...