Sản phẩm Du lịch ẩm thực đất Tổ - Tiềm năng và cơ hội phát triển

25 Tháng 11, 2020 | Nghiên cứu - Trao đổi

 Theo báo cáo toàn cầu về du lịch ẩm thực của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), trung bình 1/3 ngân sách khách du lịch chi trả được dành cho ẩm thực. Sự gia tăng của Du lịch ẩm thực là một cơ hội tuyệt vời tạo ra những sản phẩm mới, là một phần trong chiến lược xây dựng sản phẩm của mỗi điểm đến, tạo cho du khách hoạt động trải nghiệm, thưởng thức văn hóa ẩm thực ấn tượng về mỗi vùng - miền. Cùng với Du lịch văn hóa, Du lịch ẩm thực đang dẫn đầu trong ngành du lịch, tính hấp dẫn và đặc sắc của văn hóa và ẩm thực trở thành yếu tố quan trọng cho sự dịch chuyển hành vi của khách du lịch trên toàn thế giới hiện nay (nguồn: vietiso.com).

Du lịch Phú Thọ với ba dòng sản phẩm chính đã phát triển rõ nét là Du lịch văn hóa tâm linh, Du lịch nghỉ dưỡng và Du lịch sinh thái cộng đồng. Một số sản phẩm du lịch mới đưa vào khai thác là sản phẩm du lịch học đường, du lịch nông nghiệp, du lịch sự kiện (du lịch MICE), quà tặng du lịch… thì Du lịch ẩm thực đang là sản phẩm có tiềm năng, lợi thế thu hút du khách.

Với bề dày văn hóa lịch sử dựng nước và giữ nước, đặc biệt là văn hóa Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ còn lưu giữ, bảo tồn và nhân giống nhiều cây trồng, vật nuôi gắn với các truyền thuyết về thời đại Hùng Vương, đặc biệt là các sản vật, món ăn là đặc sản tiến Vua như: Gà 9 cựa, Bánh Chưng bánh Giầy, Cá Anh Vũ, Cá Lăng, Bưởi Đoan Hùng, Hồng Gia Thanh, gạo nếp Gà gáy…Là tỉnh có địa hình bán sơn địa, khí hậu ôn hòa, đất đai thổ nhưỡng phì nhiêu màu mỡ, có vùng đồng bằng và trung du xen kẽ, hệ thống thủy lợi từ ba con sông lớn đã tạo cho nền nông nghiệp của tỉnh Phú Thọ phát triển, cung cấp cho ngành dịch vụ du lịch nhiều tài nguyên ẩm thực phong phú, đặc sắc.

z2195334146363_10ac9e926ce9fd947a5f01fe7c0a7bff

Mâm cỗ lá Xuân Sơn

Qua bàn tay tài hoa của những nghệ nhân ẩm thực, từ xa xưa tỉnh Phú Thọ đã nổi tiếng với nhiều món ngon nức tiếng khắp vùng, du khách về tham quan du lịch tại thành phố Việt Trì, huyệnThanh Thủy hay huyện Hạ Hòa, Thanh Sơn, Tân Sơn đều tìm đến những nhà hàng thưởng thức các món ẩm thực đặc sắc nhất vùng như: cá Lăng Việt Trì, Gà 9 cựa Tân Sơn, dê núi Thanh Sơn, xôi ngũ sắc và các sản vật trên toàn tỉnh. Sản phẩm du lịch ẩm thực Đất Tổ đã trở thành một yếu tố quan trọng trong các tour du lịch về Phú Thọ, để lại ấn tượng tốt đẹp với khách du lịch trong nước và quốc tế.

Để Ẩm thực Đất Tổ trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc sắc riêng có và lan tỏa mạnh mẽ hơn, công tác truyền thông quảng bá rõ nét, công tác tổ chức hội nghề nghiệp về văn hóa ẩm thực quy mô hơn, ngành Du lịch đã và đang triển khai một số giải pháp sau:

Một là, tăng cường tuyên truyền, quảng bá nâng cao giá trị của các sản phẩm ẩm thực Đất Tổ gắn với các chương trình xúc tiến, kích cầu du lịch trong và ngoài tỉnh. Công tác truyền thông ứng dụng đa phương tiện, dưới nhiều hình thức, không giới hạn về không gian và thời gian để du khách, doanh nghiệp và nhân dân dễ tiếp cận, tăng tính hấp dẫn của ẩm thực Đất Tổ, thu hút mong muốn thưởng thức, trải nghiệm.

Hai là, hướng dẫn kiện toàn và phát triển tổ chức Hội nghề nghiệp về văn hóa ẩm thực, thu hút nhiều hơn những người quản lý nhà hàng, nghệ nhân chế biến ẩm thực, cơ sở sản xuất - nuôi trồng nguyên liệu phục vụ ẩm thực, những nhà nghiên cứu văn hóa ẩm thực… tạo sân chơi, chia sẻ trao đổi kinh nghiệm, hợp tác liên kết tiêu thụ sản phẩm và tổ chức các sự kiện quảng bá, giới thiệu văn hóa ẩm thực Đất Tổ, góp phần thúc đẩy sự phát triển của văn hóa ẩm thực gắn với phát triển du lịch tỉnh Phú Thọ.

Ba là, tư vấn, vận động các đơn vị sản xuất, kinh doanh các sản phẩm ẩm thực trên địa bàn tỉnh luôn chú trọng nâng cao chất lượng, thể hiện những giá trị đặc sắc riêng có về nguyên liệu, quy trình chế biến, trình bày, thiết kế bao bì mẫu mã hay những câu chuyện hấp dẫn về các sản phẩm ẩm thực trong quá trình phục vụ du khách, lưu lại dấu ấn đặc biệt với khách du lịch sau khi trải nghiệm, thưởng thức Ẩm thực Đất Tổ.

Bốn là, tăng cường tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, các chương trình chia sẻ kinh nghiệm của các nghệ nhân, mở các cuộc thi nghề chế biến món ăn, pha chế đồ uống nhằm nâng cao kỹ thuật chế biến, kỹ năng trình diễn nghề, tạo sân chơi hiệu quả, tôn vinh các tổ chức, cá nhân có nhiều cống hiến cho phát triển văn hóa Ẩm thực Đất Tổ.

Năm là, khuyến khích các doanh nghiệp, các Hội nghề nghiệp về văn hóa ẩm thực và du lịch tăng cường tổ chức, tham gia các sự kiện quảng bá ẩm thực trong và ngoài tỉnh như: Lễ hội văn hóa ẩm thực, Hội chợ sản phẩm nông nghiệp và ẩm thực, Lễ hội đồ uống và ẩm thực, phố ẩm thực…tạo không gian sinh hoạt văn hóa ẩm thực Đất Tổ thường xuyên liên tục hơn, giúp du khách và nhân dân có thêm sản phẩm trải nghiệm, góp phần phát triển toàn diện các dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, trong đó có phát triển kinh tế ban đêm theo Đề án phát triển kinh tế ban đêm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Sáu là, khuyến khích các cơ sở sản xuất sản phẩm gắn với ẩm thực tăng cường công tác liên kết giới thiệu, quảng bá tiêu thụ sản phẩm tại các khu trưng bày, điểm dừng nghỉ, khu điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, nhằm kích thích chi tiêu của du khách, góp phần phát triển dịch vụ mua sắm, nhất là mua sắm sản phẩm ẩm thực dành cho khách du lịch tham quan tỉnh Phú Thọ.

z2195335047740_77c68fcbf76c88f4113e81c6fd1afdfb

Món trám đen - một đặc sản Phú Thọ

Sản phẩm du lịch Ẩm thực Đất Tổ là thành tố quan trọng trong mỗi hành trình của du khách khi về Phú Thọ, với mức chi tiêu cho ẩm thực chiếm 1/3 tổng chi phí cho chuyến đi, cùng với việc phát triển dịch vụ mua sắm sản vật địa phương sẽ góp phần tăng nguồn thu từ khách du lịch, đóng góp cho tăng trưởng GDP trên toàn tỉnh. Bên cạnh đó, khai thác sản phẩm du lịch ẩm thực còn góp phần xây dựng thương hiệu, tăng sức cạnh tranh cho du lịch Phú Thọ, phát huy giá trị các tài nguyên ẩm thực, tạo động lực phát triển ngành nông nghiệp trồng trọt, chăn nuôi, tạo nhiều việc làm và ổn định thu nhập cho cộng đồng dân cư.

125797881_3034505023318322_6836747420557879816_n

Các Đại biểu tham quan khu trưng bày ẩm thực tại Đại hội Hội Văn

hóa ẩm thực tỉnh Phú Thọ lần thứ I - nhiệm kỳ 2020 -2025

Trong hội thảo Marketing tại TP. Hồ Chí Minh, ông Philp Kotler, người được coi là một trong những nhà sáng lập trường phái marketing hiện đại của thế giới đã gợi ý: “Việt Nam nên trở thành bếp ăn của thế giới”, để thấy rằng ngoài giá trị mang tính chuyên chở lịch sử, văn hóa bản địa, thì ẩm thực Việt còn như một “đại sứ” đặc biệt để quảng bá hình ảnh VN ra thế giới.

Những chuyên gia ẩm thực, những nghệ nhân chế biến ẩm thực trên cả nước hoạt động trong Hiệp Hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam và Hội đầu bếp Việt Nam đều có nguyện vọng suy tôn Hoàng tử Lang Liêu trở thành Tổ nghề Ẩm thực Việt Nam, ngôi miếu cổ Thờ Lang Liêu hiện còn dấu tích tại Làng Trầu Dữu Lâu - TP. Việt Trì - tỉnh Phú Thọ, qua đây càng thêm hy vọng về điều kiện phát triển Văn hóa Ẩm thực Đất Tổ; tổ chức lễ hội truyền thống nghề ẩm thực, tôn vinh tổ nghề và xây dựng Miếu thờ Hoàng tử Lang Liêu trở thành địa chỉ đỏ thu hút du khách trong nước, quốc tế về khám phá, trải nghiệm Sản phẩm du lịch Ẩm thực Đất Tổ.

Phát triển sản phẩm du lịch Ẩm thực Đất Tổ gắn với phát triển du lịch tỉnh Phú Thọ có đủ các điều kiện thuận lợi, cơ hội và khó khăn thách thức, với quyết tâm đồng lòng của chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân ủng hộ, sản phẩm du lịch Ẩm thực Đất Tổ có cơ hội phát triển tốt hơn, thúc đẩy Du lịch Phú Thọ phát triển nhanh và bền vững hơn trong thời gian tiếp theo.                

Bài: Th.s Phùng Thị Hoa Lê - PTP Quản lý Du lịch

Ảnh: Bích Ngọc - TTTTXTDL

 

 

 

 

 

0 Bình luận

Loading...