06 Tháng 1, 2021 | Nghiên cứu - Trao đổi
Trình diễn múa trống đu tại một câu lạc bộ văn hóa dân gian Mường huyện Thanh Sơn.
Nghị quyết số 179/2009/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về quy hoạch phát triển văn hóa tỉnh Phú Thọ đến năm 2020 đã xác định mục tiêu: “Xây dựng nền văn hóa trên địa bàn tỉnh đậm đà bản sắc vùng Đất Tổ, chú trọng bảo tồn giá trị văn hóa các dân tộc; xây dựng, phát triển văn hóa tỉnh Phú Thọ thành trung tâm văn hóa về cội nguồn của cả nước”. Để hiện thực hóa mục tiêu trên, những năm qua, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ để bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa tiêu biểu, góp phần thúc đẩy đời sống tinh thần của nhân dân.
Nơi hội tụ tinh hoa văn hóa
Phú Thọ là vùng Đất Tổ và là cái nôi của nền văn hóa Lạc Việt. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, Phú Thọ ngày nay được ví như “bảo tàng” của văn hóa dân tộc với những dấu ấn văn hóa đậm nét. Hệ thống di sản phi vật thể và vật thể phong phú, đa dạng gắn với thời đại Hùng Vương dựng nước, có tuổi đời hàng ngàn năm đang được giữ gìn và phát triển. Nhiều lễ hội truyền thống đã trở thành biểu tượng tâm linh của dân tộc Việt Nam như lễ hội Đền Hùng, lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ,...
Một trong hơn 100 lễ hội được tổ chức hằng năm, lễ hội Đền Vân Luông (phường Vân Phú, thành phố Việt Trì) luôn thu hút đông đảo sự tham gia của người dân và du khách thập phương. Được xây dựng từ năm 1821, Đền Vân Luông thờ vọng anh linh các Vua Hùng, Tản Viên Sơn Thánh và các vị đại vương là Cao Sơn Đại Vương, Viễn Sơn Đại Vương và Hoàng thành là Phúc Long Thần, Hảo Long Thần. Đền Vân Luông nằm trong quần thể Di tích lịch sử Đền Hùng gắn với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESSCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Đền có hai lễ hội chính là lễ hội cướp bông ném chài vào ngày mùng 3 tháng Giêng và lễ hội Đền Vân Luông vào ngày 4/9 âm lịch hằng năm. Cùng với lễ hội Đình Hùng Lô, lễ hội Đền Vân Luông là một trong 2 lễ hội đang được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch lập hồ sơ khoa học ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Không thể phủ nhận, lễ hội truyền thống đóng vai trò quan trọng trong tâm thức và đời sống tinh thần của nhân dân các địa phương. Đây là hiện tượng văn hóa dân gian tổng thể, bao gồm tất cả các phương diện khác nhau trong đời sống xã hội của con người như: Sinh hoạt tín ngưỡng, nghi lễ, phong tục, giao tiếp và gắn kết xã hội, diễn xướng dân gian, các cuộc thi tài, vui chơi, giải trí...
Không chỉ phong phú về lễ hội, Phú Thọ hiện nay còn có 318 di tích được xếp hạng. Trong đó có 1 di tích Quốc gia đặc biệt là Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, 73 di tích Quốc gia và 244 di tích cấp tỉnh. Cùng với đó, tỉnh ta vinh dự sở hữu 2 di sản văn hóa phi vật thể được UNESSCO công nhận là Di sản văn hóa đại diện nhân loại là Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan Phú Thọ. Đó không chỉ là niềm tự hào mà còn là bản sắc rất riêng của người dân đất Việt trước bạn bè quốc tế.
Lễ hội cướp bông ném chài được tổ chức hằng năm tại đền Vân Luông, phường Vân Phú, thành phố Việt Trì thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn và gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.
Giữ gìn bản sắc đất cội nguồn
Cùng với các địa phương khác trên cả nước, Phú Thọ là địa bàn chung sống của trên 50 dân tộc anh em. Trong đó, có 4 dân tộc thiểu số tụ cư thành làng, bản và thực hành văn hóa truyền thống của dân tộc mình là: Dân tộc Mường, Dao, Mông và Cao Lan. Vì vậy, công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cũng được quan tâm, chú trọng. Sau 3 năm thực hiện “Đề án kiểm kê, sưu tầm, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa Mường giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025” của UBND huyện Thanh Sơn, đến nay, các xã trên địa bàn huyện đã có nhiều biện pháp, cách làm cụ thể để bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Mường.
Trên địa bàn huyện hiện có hơn 1.000 bộ trang phục, 100 nhà sàn truyền thống và nhiều nhạc cụ, công cụ lao động sản xuất, sinh hoạt vẫn được bảo tồn, lưu giữ trong các gia đình đồng bào dân tộc Mường. Xã Võ Miếu là một trong những xã miền núi của huyện Thanh Sơn luôn đi đầu trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Mường. Đồng chí Hà Văn Thạo - Bí thư Đảng ủy xã Võ Miếu cho biết: “Xã đã thành lập 1 câu lạc bộ (CLB) cấp xã và 13 CLB khu dân cư, trong đó, tập trung chủ yếu vào các điệu hò vè, trang phục, các vật dụng sinh hoạt của người Mường”. Cùng với sự huy động nguồn lực của toàn xã hội tham gia gìn giữ, phát huy di sản văn hóa, xã cũng đẩy mạnh tuyên truyền, tạo sự chuyển biến trong nhận thức của nhân dân, đưa việc sinh hoạt phong tục tập quán truyền thống trở thành phong trào thường xuyên, sâu rộng trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Mường.
Tuy vậy, công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa còn một số hạn chế như: Một số nét đẹp văn hóa trong lối sống, phong tục, lễ hội truyền thống đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Các di tích lịch sử văn hóa, không gian văn hóa bị xuống cấp. Lứa tuổi thanh niên chưa ý thức đầy đủ về bản sắc văn hóa dân tộc mình dẫn đến quay lưng với những sinh hoạt văn hóa truyền thống. Số người thiểu số từ 40 tuổi trở xuống biết nói, viết, đọc ngôn ngữ dân tộc mình giảm nhiều...
Để khắc phục những khó khăn trên, những năm qua, tỉnh ta đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, hiệu quả để góp phần bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa tiêu biểu, hướng tới xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc vùng Đất Tổ. Đồng chí Nguyễn Đắc Thủy - TUV, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Thời gian qua, tỉnh Phú Thọ luôn quan tâm đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống và nhận được sự đánh giá ghi nhận của các tổ chức quốc tế, Trung ương và các tỉnh bạn. Trong thời gian tới, Sở tiếp tục phối hợp với các cơ quan, ban ngành tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt thực hiện đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan liên quan, đặc biệt là cộng đồng về vai trò của di sản văn hóa. Đồng thời, quan tâm, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu quản lý văn hóa nói chung và bảo tồn di sản văn hóa nói riêng. Tập trung đầu tư có trọng điểm cho hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi những di sản quan trọng - không gian văn hóa gắn với các di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại, di sản văn hóa quốc gia. Nghiên cứu, lập hồ sơ, tư liệu hóa, phục hồi các di sản văn hóa phi vật thể quan trọng”.
(Nguồn: http://baophutho.vn/)
Danh mục
Bài viết nổi bật
Loading...