22 Tháng 11, 2022 | Nghiên cứu - Trao đổi
Phú Thọ là vùng đất Tổ, nơi các vua Hùng dựng nước Văn Lang - nhà nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam, nơi đây hội tụ các giá trị văn hóa gắn với thời đại Hùng Vương. Theo số liệu của Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch, Phú Thọ hiện có 967 di tích, trong đó, 324 di tích lịch sử - văn hóa được nhà nước xếp hạng (01 Di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng, 73 di tích cấp quốc gia, 250 di tích cấp tỉnh), 345 di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật thời Hùng Vương, 30 di tích liên quan đến Hát Xoan, 05 bảo vật quốc gia, 311 lễ hội truyền thống, 41 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu (12 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia), 4 di sản văn hóa phi vật thể được Unesco ghi danh. Hệ thống di tích này góp phần làm phong phú thêm bức tranh di sản văn hóa Phú Thọ, là nguồn tài nguyên du lịch dồi dào để ngành du lịch khai thác, trên cơ sở gắn kết nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản với phát triển du lịch bền vững.
Đoàn khách tham quan các đền thờ vua Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh (Ảnh: Phương Thảo)
Nổi bật với các công trình kiến trúc cổ kính in đậm dấu ấn thời Hùng Vương dựng nước, những câu chuyện truyền thuyết, các di chỉ khảo cổ và các di tích đền, đài, lăng, tẩm thờ tự các Vua Hùng, đặc biệt là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" với những giá trị độc đáo riêng có và nổi bật toàn cầu, Khu di tích lịch sử Đền Hùng có tiềm năng lớn để phát triển du lịch tâm linh, du lịch trải nghiệm. Đây là cơ hội thuận lợi, là tiền đề để tiếp tục phát huy giá trị di sản văn hóa, lan tỏa tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương gắn với phát triển dịch vụ du lịch. Những năm vừa qua, Trung tâm Thông tin xúc tiến Du lịch đã chủ động trong việc kết nối Đền Hùng với các tuyến, điểm di tích trong tỉnh như Bảo tàng Hùng Vương, Đình Hùng Lô (TP Việt Trì), Đền Mẫu Âu Cơ (Hạ Hòa), Đền Lăng Sương (Thanh Thủy…, hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành để tạo ra những sản phẩm du lịch chất lượng, hấp dẫn, chuyên nghiệp. Dựa trên những giá trị di sản sẵn có của tỉnh, Trung tâm Thông tin xúc tiến Du lich xây dựng và tổ chức chương trình du lịch trải nghiệm, các sản phẩm du lịch học đường, giáo dục truyền thống lịch sử cội nguồn. Cụ thể như tháng 9 năm 2022, Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch Phú Thọ phối hợp với Trung tâm Thông tin xúc tiến Du lịch, Khu Di tích Lịch sử Đền Hùng đã tổ chức công bố tour du lịch học đường “Hướng về nguồn cội”. Các em học sinh không chỉ được tham quan các đền thờ vua Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh và thực hành Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương mà còn được tham gia nhiều chương trình trải nghiệm lý thú như: Thưởng thức show diễn nghệ thuật “Hùng Vương truyện cổ”, trải nghiệm gói bánh chưng, bánh dày và tham gia các trò trơi vận động ngoài trời tại Khu trải nghiệm Nature Key Retreat Hy Cương. Trên hết, thành công trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản là từ Khu di tích lịch sử Đền Hùng - Trung tâm thực hành nghi lễ tín ngưỡng, với sự hội tụ sâu sắc nghĩa “đồng bào”, ý thức cội nguồn của hàng triệu người dân đất Việt và sự “lan tỏa” mạnh mẽ từ nơi Đất Tổ đến mọi miền đất nước có người Việt sinh sống thể hiện tấm lòng hướng về nguồn cội, đều mong muốn được về Đền Hùng thắp nén tâm hương tri ân công đức Tổ tiên.
Các em học sinh thưởng thức show diễn “Hùng Vương truyện cổ” tại Nhà đón tiếp khách du lịch và biểu diễn nghệ thuật (Ảnh: Phương Thảo)
Cũng dựa trên hai di sản nổi bật của Phú Thọ, Điểm du lịch văn hóa cộng đồng Hùng Lô cũng là một điểm sáng trong việc kết hợp thành công mô hình trải nghiệm du lịch cộng đồng với phát huy giá trị Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan. Đến với Đình cổ Hùng Lô, du khách không chỉ được tham quan quần thể kiến trúc đình cổ cũng như được nghe thuyết minh, giới thiệu về hai di sản nổi bật trên, mà còn được thưởng thức nghệ thuật Hát Xoan ngay tại cửa đình, trải nghiệm quy trình làm bánh chưng, bánh giầy tại nhà cổ. Điểm du lịch văn hóa cộng đồng Hùng Lô cũng được kết nối với các khu, các điểm du lịch như khu nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Thanh Thủy, du lịch trải nghiệm Vườn quốc gia Xuân Sơn, đồi chè Long Cốc... để tạo ra những sản phẩm du lịch ngày càng phong phú, hấp dẫn, bền vững.
Khách du lịch hào hứng thưởng thức nghệ thuật Hát Xoan tại Đình cổ Hùng Lô
(Ảnh: Phương Thảo)
Các di tích lịch sử - văn hóa gắn với các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nằm trong không gian văn hóa Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã và đang là điểm nhấn trong các tour du lịch văn hóa - tâm linh đặc trưng như: Đền Mẫu Âu Cơ (Hạ Hòa) - Bảo vật quốc gia Tượng Mẫu Âu Cơ - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Tín ngưỡng thờ Quốc Mẫu Âu Cơ; Di tích đền Lăng Sương (Thanh Thủy) - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội đền Lăng Sương thấm đẫm huyền thoại về vùng đất nơi đã sinh thành và nuôi dưỡng Đức Thánh Tản Viên - Vị thần đứng đầu trong Tứ bất tử của tín ngưỡng bản địa. Di tích đình Đào Xá (Thanh Thủy), công trình kiến trúc nghệ thuật có niên đại cuối thế kỷ XVII - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Đào Xá... Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Bạch Hạc, đền Tam Giang với cổ tục rước nước vào ban đêm ở Ngã ba Hạc và hội bơi chải náo nhiệt một vùng sông nước; di tích đình Hùng Lô (TP Việt Trì), quần thể kiến trúc nghệ thuật có niên đại vào thế kỷ XVII với lễ hội rước kiệu, dâng lễ vật thờ cúng các vua Hùng về Đền Hùng vào ngày Giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10 tháng Ba… Điều đó đã lý giải vì sao Phú Thọ được gắn với thương hiệu du lịch tâm linh, du lịch di sản- văn hóa. Đến nay, một số tuyến du lịch đã được đưa vào khai thác, có sức hút đối với du khách như: Đền Quốc Tổ Lạc Long Quân - Khu Di tích lịch sử Đền Hùng - Miếu Lãi Lèn - Làng cổ Hùng Lô; Khu Di tích lịch sử Đền Hùng - Làng cổ Hùng Lô - Vườn quốc gia Xuân Sơn - Khu nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Thanh Thủy; Khu Di tích lịch sử Đền Hùng - Cụm di tích Đền Tam Giang - Chùa Đại Bi - Đền Mẫu Âu Cơ Hạ Hòa…
Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch tập trung đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch đặc trưng, khai thác giá trị di sản văn hóa phục vụ du lịch như: du lịch văn hóa, tâm linh tại đình, đền Tam Giang và chùa Đại Bi gắn với tục rước nước ngã ba sông, lễ hội bơi chải Bach Hạc; xây dựng miếu Lang Liêu gắn với phát triển văn hóa ẩm thực; khai thác giá trị di sản hát xoan tại đình Hùng Lô, miếu Lãi Lèn (TP Việt Trì); khai thác lễ hội Mở cửa rừng của đồng bào dân tộc Mường (Yên Lập) với các nghi thức cúng lễ, diễn xướng dân gian đặc sắc như săn thú, cồng chiêng, trống đu, hò đu… phát triển thành sản phẩm du lịch độc đáo phục vụ các đoàn khách.
Khách du lịch tham quan cụm di tích Đền Tam Giang - Chùa Đại Bi (Ảnh: Sưu tầm)
Có thể khẳng định, việc xây dựng thương hiệu du lịch từ di sản văn hóa đã tạo nên sự khác biệt hấp dẫn cho du lịch tại mỗi địa phương. Di sản được đưa vào phát triển du lịch sẽ đem lại nguồn thu trực tiếp để đầu tư trở lại công tác quản lý, bảo tồn di sản, đồng thời tạo việc làm cho người dân thuộc vùng di tích, di sản đó, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội. Yếu tố cốt lõi để đưa di sản tới gần hơn với du khách chính là các sản phẩm du lịch đa dạng, chất lượng. Quá trình khai thác du lịch cần được gắn kết với bảo tồn giá trị truyền thống, xây dựng chương trình phù hợp với từng đối tượng khách, chú ý đầu tư cho các dịch vụ phụ trợ, làm gia tăng mức chi tiêu của du khách.
Để tiếp tục bảo tồn, khai thác tốt các giá trị di sản văn hóa phục vụ phát triển du lịch, thời gian tới cần tiếp tục nâng cao hiệu quả tuyên truyền giúp cộng đồng nhận thức đầy đủ và sâu sắc về giá trị di sản, từ đó có ý thức bảo vệ, phát huy di sản. Bên cạnh đó, cần có chiến lược khai thác, tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù, độc đáo đối với từng di sản, từ đó “biến di sản trở thành tài sản”, là nguồn tài nguyên quan trọng thúc đẩy phát triển du lịch Phú Thọ thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Phương Thảo - Trung tâm TTXT Du lịch
Danh mục
Bài viết nổi bật
Loading...