06 Tháng 12, 2022 | Nghiên cứu - Trao đổi
Nhằm tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc vùng Tây Bắc trong nền văn hóa thống nhất, đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc đã được Phú Thọ tổ chức thành công từ ngày 2 đến 4/12. Ngày hội thực sự hội tụ, tỏa sáng về nét đẹp các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc, đây cũng chính là dịp để tăng cường tình đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc và bảo tồn những di sản văn hóa quý báu của các dân tộc.
Các thanh niên dân tộc Dao đỏ của tỉnh Yên Bái giới thiệu về lễ hội cầu mùa của dân tộc mình.
Tinh hoa văn hóa vùng Tây Bắc
Trong cái se lạnh của những ngày đầu tháng 12, đồng bào các dân tộc Tây Bắc từ bảy tỉnh miền núi gồm: Phú Thọ, Hòa Bình, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái và Sơn La tưng bừng mở hội tại Quảng trường Hùng Vương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Ngay từ sáng sớm, âm hưởng cùng sắc màu vùng cao đã hiện hữu rực rỡ trong không gian rộng lớn của Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XV năm 2022. Xuyên suốt ba ngày hội là các hoạt động hấp dẫn, đậm đà bản sắc dân tộc như: Trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hoá truyền thống dân tộc; trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa, ẩm thực truyền thống của địa phương; triển lãm “Đặc trưng văn hóa các dân tộc vùng Tây Bắc”, “Ảnh đẹp du lịch Tây Bắc”; liên hoan văn nghệ quần chúng và trình diễn trang phục các dân tộc vùng Tây Bắc; thi đấu các môn thể thao dân tộc như kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ… Tất cả những thanh âm của tiếng khèn, tiếng sáo, tiềng cồng chiêng, những sắc màu của khăn piêu, áo cóm, váy hoa… hòa trộn vào nhau tạo nên một bức tranh núi rừng Tây Bắc đa sắc màu ngay giữa trung tâm thành phố Việt Trì.
Mang nét đẹp truyền thống từ lễ cầu mùa (khoi kềm) đến với ngày hội, các thanh niên trẻ người dân tộc Dao đỏ của tỉnh Yên Bái chia sẻ niềm vui mang những đặc trưng văn hóa của đồng bào dân tộc mình đến với ngày hội để giới thiệu, giao lưu. “Tôi rất vinh dự khi được tham gia vào nội dung trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hoá truyền thống dân tộc. Từ đây, sẽ có thêm nhiều người biết đến lễ cầu mùa truyền thống của đồng bào dân tộc Dao đỏ, tỉnh Yên Bái. Cũng qua ngày hội, chúng tôi biết nhiều hơn về bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc anh em” - anh Triệu Văn Hiệp chia sẻ.
Gặp gỡ chị Lò Thị Đi, nghệ nhân dân tộc Lự, tỉnh Lai Châu, chị phấn khởi bày tỏ: “Đây là lần đầu tiên tôi tham gia Ngày hội. Dân tộc Lự chúng tôi hiện chỉ còn gần 10 nghìn người, sinh sống tại các huyện Tam Đường, Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu. Vậy nên tôi rất vui khi được tham gia Ngày hội, tự hào khi mang nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình đến với mọi người, nhất là cộng đồng các dân tộc anh em”.
Để đa dạng trải nghiệm cho người dân và du khách, các hoạt động hấp dẫn, đậm đà bản sắc các dân tộc trong khuôn khổ ngày hội được tổ chức tập trung ở Quảng trường Hùng Vương, tạo thành một không gian văn hóa rộng lớn, đáp ứng nhu cầu giao lưu, tạo sự gắn kết giữa dân tộc các tỉnh với cộng đồng và nhân dân để các hoạt động văn hóa, hoạt động thể thao, hoạt động du lịch thực sự đúng là Ngày hội của nhân dân vùng Tây Bắc. Đây cũng chính là điểm mới, điểm nổi bật của sự kiện năm nay.
Sắc màu văn hóa các dân tộc tại lễ khai mạc Ngày hội.
Cội nguồn sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc
Bà Nguyễn Thị Hải Nhung- Vụ trưởng Vụ Văn hóa Dân tộc, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch khẳng định: Tây Bắc- cái nôi của văn hóa các dân tộc Mông, Dao, Thái, Mường… cũng là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống phong phú, đa dạng và giàu bản sắc của đồng bào các dân tộc. Văn hóa các dân tộc vùng Tây Bắc là những nét vẽ đa sắc màu, là di sản quý giá, góp phần tạo nên một bức tranh văn hóa Việt Nam thống nhất, đậm đà bản sắc dân tộc. Các hoạt động sôi nổi, giàu bản sắc văn hóa của các dân tộc vùng Tây Bắc tại Ngày hội đã tái hiện lại các giá trị văn hóa dân gian dân tộc trong đời sống của đồng bào, khẳng định sức sống mãnh liệt của văn hóa dân tộc qua thời gian và không gian, trong sự giao thoa và biến đổi, trong xu thế hội nhập hiện nay. Từ đó tạo nên một di sản vô giá, một sức mạnh vĩ đại trường tồn cùng dân tộc - sức mạnh đại đoàn kết.
Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XV năm 2022 diễn ra từ ngày 2-4/12 tại Quảng trường Hùng Vương, thành phố Việt Trì với sự tham gia của hơn 600 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên quần chúng đồng bào các dân tộc của bảy tỉnh gồm: Phú Thọ, Hòa Bình, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái và Sơn La. Đến với Ngày hội, người dân, du khách đã được hòa mình vào không gian đậm chất văn hóa miền Tây Bắc với những làn điệu dân ca hát Xoan, nghệ thuật Xòe Thái, nghệ thuật hát Then đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại… và được tham gia trải nghiệm không gian trình diễn trang phục truyền thống, nghi thức lễ hội, các trò chơi dân gian truyền thống do các nghệ nhân, diễn viên của vùng đất Tây Bắc thể hiện. Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc là hoạt động có ý nghĩa chính trị, văn hóa sâu sắc, là nơi để đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm đối với việc gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống và đặc biệt là củng cố sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đồng chí Nguyễn Đắc Thủy- TUV, Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch cho biết: “Bên cạnh mục đích tôn vinh, quảng bá những giá trị di sản văn hóa và phong tục tập quán truyền thống tốt đẹp của các dân tộc vùng Tây Bắc tới bạn bè trong nước và quốc tế, cũng như khơi dậy tiềm năng phát triển du lịch để kết nối, thu hút đầu tư đến với vùng Tây Bắc, Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XV còn là dịp để tăng cường tình đoàn kết, gắn bó keo sơn trong cộng đồng các dân tộc anh em, khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo nền tảng tinh thần vững chắc, cội nguồn sức mạnh đưa đưa vùng Tây Bắc nói riêng và cả nước nói chung phát triển, đi lên”.
Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc đã khép lại, nhưng dư âm về những “Sắc màu văn hóa các dân tộc vùng Tây Bắc” còn vang vọng mãi trong lòng mỗi người dân, du khách. Các hoạt động trong khuôn khổ của Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XV thực sự đã khơi dậy tinh thần đoàn kết, gắn bó, làm giàu thêm bản sắc văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, là cội nguồn sức mạnh đưa nước ta đạt được những thành tựu to lớn trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
(Nguồn: Báo Phú Thọ)
Danh mục
Bài viết nổi bật
Loading...