Ẩm thực Đất Tổ, từ nét văn hóa địa phương độc đáo đến sản phẩm du lịch hấp dẫn.

29 Tháng 4, 2021 | Nghiên cứu - Trao đổi

Văn hoá là một dấu hiệu nhận biết, phân biệt các quốc gia dân tộc, thu hẹp lại là các vùng miền, điểm đến, mà trong đó, ẩm thực là một nét văn hoá rất đặc trưng, sinh động và phong phú. Văn hóa ẩm thực giữ một vị trí khá quan trọng trong việc tạo sức hút, là chất liệu làm nên sản phẩm du lịch độc đáo và hấp dẫn cho một điểm đến. Du lịch ẩm thực hiện đang là một lựa chọn “hot” của xu thế du lịch trên thế giới. Nhiều nước đã thành công trong việc định hướng phát triển du lịch kết hợp với ẩm thực như: Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc… Tại Việt Nam, Du lịch ẩm thực được biết đến nhiều hơn gần đây khi Việt Nam lần đầu được vinh danh ở hạng mục Ðiểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á tại lễ trao Giải thưởng Du lịch thế giới lần thứ 26 - năm 2019 dành cho khu vực châu Á và châu Ðại Dương. Sự kiện thêm khẳng định sức hấp dẫn của nghệ thuật ẩm thực nước ta đối với bạn bè khắp năm châu; đồng thời cho thấy văn hoá ẩm thực thật sự là “kho tàng” phong phú để “ngành công nghiệp không khói” khai thác, hình thành những sản phẩm du lịch độc đáo mời gọi du khách.

 Theo báo cáo của Tổ chức Du lịch thế giới, du khách thường chi trung bình 1/3 ngân sách chuyến đi cho ẩm thực. Điều đó cho thấy ẩm thực chiếm một “thị phần” lớn trong mỗi chuyến đi. Bên cạnh việc thưởng thức, trải nghiệm vị giác khác lạ, ẩm thực còn giúp du khách cảm nhận được nét văn hóa bản địa đặc sắc của từng vùng, miền, địa phương, thêm những hiểu biết mới mẻ về cách thức chế biến món ăn từ đó tăng cường ấn tượng về điểm đến. Bỏ qua khai thác lợi thế về ẩm thực để xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch có nghĩa là đã bỏ qua cả "mỏ vàng" để phát triển du lịch. Du lịch ẩm thực là động lực thúc đẩy nhiều thành phần kinh tế, trong đó đặc biệt tạo điều kiện gia tăng chuỗi giá trị trong nông nghiệp, sản xuất chế biến thực phẩm, đồng thời giữ gìn và quảng bá văn hóa bản địa ra thế giới bên ngoài.

Ẩm thực vùng đất trung du Phú Thọ khá phong phú và mang nhiều nét riêng, nhắc tới món ăn là nhớ về con người và vùng đất. Sự phong phú ẩm thực Đất Tổ được làm nên bởi sự đa dạng của các món ăn với nguồn gốc khác nhau (có món ăn từ núi rừng, lại có món từ sông nước), với đa dạng cách chế biến (kho, xôi, luộc, hầm, xào…), và mang hương sắc của mỗi miền, mỗi dân tộc rất khác biệt. Có những món ăn gắn liền với truyền thuyết, với lễ hội, với văn hóa tâm linh cội nguồn; Có món ăn là đặc sản của vùng, chỉ vùng đó mới có hoặc ở vùng đó mới ngon; Và có những món ăn thường ngày của người dân địa phương “rất Phú Thọ”.

Những món ăn gắn với truyền thuyết, lễ hội và văn hóa tâm linh của vùng Đất Tổ được người dân chế biến với một sự thành kính đặc biệt để dâng lên Tổ tiên vào dịp Tết, ngày giỗ hoặc lễ hội, nhất là vào dịp giỗ Tổ Hùng Vương. Tiêu biểu phải kể đến đó là bánh chưng, bánh giầy, gà cựa gắn với truyền thuyết Hùng Vương; bánh khảo, chè lam, chè kho, xôi nếp… là những món được dâng cúng trong các ngày hội làng truyền thống. Những món ăn này sử dụng nguyên liệu chính từ gạo nếp, đặc biệt có thể là thứ gạo nếp được trồng cấy tại chính vùng đất khởi nguồn dân tộc, vì thế sản phẩm được làm ra là sự hội tụ tinh hoa của đất - trời và lòng người Đất Tổ, chứa đựng cả lịch sử, truyền thống và văn hoá từ thời vua Hùng dựng nước đến thời đại Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó còn có lợn quay, gà tía, các món chế biến từ cá sông vốn đã nổi tiếng là món ăn tiến Vua trong truyền thuyết như cá Anh Vũ, cá Lăng… mà chỉ có ở vùng sông Ngã Ba Hạc này mới đặc biệt ngon, lạ. Khách phương xa về với Phú Thọ luôn mang trong lòng mong muốn “nhất định phải được thưởng thức” hoặc mua về làm quà những món ngon này.

Am thuc Dat To

Ẩm thực Đất Tổ (Ảnh: Sưu tầm)

Những món ăn bình dị mà đủ sức làm nên cái riêng, dư vị đậm đà vấn vương mãi trong lòng thực khách là những món ăn trong cuộc sống thường ngày của cư dân vùng Đất Tổ, được “chiết suất” từ trong cuộc sống lao động như: bát canh rau sắn muối chua nấu với tép đồng, cá kho trám, kho măng, chả lợn ướp giềng, canh củ từ, bánh tẻ, măng sặt, chuối xanh xào tía tô, cua đồng rang muối, cơm nắm lá cọ hay món quả cọ, quả trám ỏm bùi bùi mà chỉ cách chế biến thôi cũng đủ gây tò mò, lạ lẫm… Mùa nào thức ấy, mỗi mùa lại có một món ăn riêng, chẳng bao giờ hết. 

Có những món ăn gắn liền với tên tuổi của vùng, trở thành đặc sản, nhắc tới là nhớ đến quê hương của nó như bưởi Đoan Hùng, hồng Gia Thanh, hồng Hạc Trì, cá lăng Sông Đà, thịt chua Thanh Sơn, gà nhiều cựa Xuân Sơn, măng sặt Hạ Hoà, bánh sắn Phù Ninh, mỳ gạo Hùng Lô, tương Làng Bợ…

Ẩm thực Phú Thọ không chỉ hấp dẫn người thưởng thức bởi tính đa dạng, độc đáo ở mỗi món ăn mà còn bởi hệ thống dịch vụ ẩm thực vô cùng phong phú với đủ loại hình nhà hàng từ đặc sản đến bình dân, chế biến các món ăn từ dân tộc truyền thống tới hiện đại. Đến Phú Thọ, thực khách có thể dễ dàng tìm thấy những nhà hàng chuyên món hoặc tổng hợp như Gà cựa Xuân Thuyết, A Thảo, cá Hạc Trì, dê Thanh Sơn, lợn mẹt, ngỗng 7 món, ngan mẹt 8 món…; các nhà hàng chế biến món ăn dân tộc như nhà hàng Cội Nguồn, Long Gia; hay các nhà hàng lớn chuyên tổ chức sự kiện, tiệc cưới như Sen Vàng, Phố Việt… Tại thành phố Việt Trì còn có hai tuyến phố Tiên Dung và Nguyễn Du được công nhận, gắn biển Phố Ẩm thực với sự tập trung hàng trăm nhà hàng lớn nhỏ, đa dạng các món ăn, các kiểu chế biến, đầy đủ cả ăn và uống phục vụ nhu cầu ăn uống giải trí của cả người dân thành phố và khách nơi xa về.

Pho am thuc Nguyen Du

Phố ẩm thực Nguyễn Du - Tuyến phố tập trung nhiều nhà hàng với các món truyền thống, đặc sản trong và ngoài nước, phục vụ thực khách địa phương và khách du lịch, đặc biệt đông trong các ngày nghỉ, lễ (Ảnh: Xuân Hương)

Trong những năm gần đây, Phú Thọ chú trọng việc bảo tồn các giá trị văn hóa ẩm thực gắn với phát triển du lịch về cội nguồn. Sự kết hợp lý tưởng giữa những tour du lịch với những lễ hội văn hóa ẩm thực truyền thống, hay những chương trình biểu diễn ẩm thực sẽ là những yếu tố cốt lõi thu hút du khách đến với điểm du lịch. Thực tế tuy chưa thực sự được coi là một chương trình biểu diễn ẩm thực, nhưng tour du lịch khám phá di sản văn hoá Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan Phú Thọ - tìm hiểu các nghề truyền thống và trải nghiệm làm, thưởng thức bánh chưng, bánh giầy tại Điểm du lịch văn hoá - cộng đồng Hùng Lô (thành phố Việt Trì) những năm qua đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách khi đến với Phú Thọ, đặc biệt là những vị khách quốc tế tham quan du lịch theo tuyến đường sông. Chương trình du lịch đã góp phần làm cho ẩm thực truyền thống của Hùng Lô được gìn giữ và lan truyền khắp các vùng trong cả nước.

Đặc biệt hơn khi những chuyên gia, nghệ nhân ẩm thực, các đầu bếp chuyên nghiệp khắp cả nước đều truyền tụng và cùng suy tôn vị Tổ nghề Ẩm thực Việt Nam chính là Đức Hùng Chiêu Vương Lang Liêu - Vị Vua Hùng thứ 7, người đã sáng tạo làm ra 2 thức bánh chưng, bánh giầy từ những nguyên liệu gần gũi mà quý giá đối với sự sống của con người để tượng hình cho Trời - Đất và Cha Mẹ sinh thành, cũng nhờ đó mà được vua cha truyền ngôi. Phú Thọ chính là nơi phát tích của nghề đầu bếp! Tại Phú Thọ, Hội Văn hoá ẩm thực cũng đã được thành lập và đang có những bước đi đầu tiên định hình hoạt động của Hội trong mối liên kết các tổ chức hội nghề nghiệp du lịch và văn hoá ẩm thực của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.

Có thể nói Phú Thọ hội tụ đầy đủ điều kiện và thế mạnh, từ truyền thuyết dân gian, câu chuyện ẩm thực đến nội lực hiện thực để phát triển thương hiệu du lịch thông qua ẩm thực một cách bền vững - Du lịch ẩm thực cội nguồn Đất Tổ. Vừa qua, Hiệp hội Nhà hàng Việt Nam (RAV) phối hợp cùng Hiệp hội Du lịch Ẩm thực thế giới (WFTA), Làng Công nghệ Du lịch Ẩm thực Techfest, Làng Công nghệ địa phương Techfest, các đối tác trong nước và quốc tế đã cùng phối hợp thực hiện và công bố Dự án “Bản đồ du lịch ẩm thực Việt Nam” dưới sự đồng hành và bảo trợ của Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam. Đây là dự án mang tính cộng đồng nhằm hình thành hệ thống điểm đến, lan tỏa giá trị di sản văn hóa ẩm thực địa phương thông qua mạng lưới chuyên gia, nghệ nhân ẩm thực, các tổ chức và cá nhân chia sẻ hình ảnh, video trải nghiệm ẩm thực tại Việt Nam trên các nền tảng mạng xã hội. Theo đó, những hình ảnh, video từ dự án sẽ được tổng hợp và thể hiện trên bản đồ Việt Nam theo vùng miền và các tỉnh, thành. Trên bản đồ này, du khách có thể tương tác và xem những món ăn đặc sản của mỗi vùng miền, tương tác với địa điểm ăn uống, từ đó lan tỏa giá trị văn hóa, ẩm thực Việt Nam trong nước và quốc tế; định hình xu hướng du lịch ẩm thực trong cộng đồng, góp phần xây dựng, định vị thương hiệu quốc gia về du lịch - văn hóa dựa trên các giá trị đặc sắc về di sản và ẩm thực. Cùng với giá trị đặc sắc của mình, theo tiến trình của dự án, Văn hoá ẩm thực và Du lịch ẩm thực Đất Tổ chắc chắn sẽ ghi danh trên bản đồ, định vị thương hiệu, đến gần và thật gần với du khách trong và ngoài nước. Du lịch ẩm thực nhiều hơn chỉ là thưởng thức món ăn ngon. Đó là cách du khách hòa mình vào nền văn hóa và di sản của một điểm đến qua việc tìm hiểu về lịch sử, nguồn gốc món ăn, tham gia vào quá trình chế biến và cuộc hành trình đến đĩa thức ăn, nhờ vậy tạo ra những kỷ niệm khác biệt không thể quên đối với mỗi người. Vì thế, một chuyến du lịch ẩm thực đôi khi không nhất thiết phải đi đâu đó quá xa mà có thể xung quanh, ngay cạnh bên cũng đã có rất nhiều món ăn, quy trình chế biến cần tìm hiểu và khám phá. Đây có lẽ cũng là một hướng khai thác sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu “được đi, được giải trí” ngày càng cao của người dân khi mà tình hình dịch bệnh covid-19 dường như mỗi ngày thêm “bó chân” người yêu du lịch. Để làm được điều đó, việc nghiên cứu, xây dựng đưa ra các giải pháp phát triển du lịch gắn với văn hoá ẩm thực và ngược lại “tạo hình” văn hoá ẩm thực để tạo sản phẩm du lịch độc đáo cần có định hướng chiến lược, theo hướng bền vững và huy động sự vào cuộc đa phương của các chuyên gia, các nhà quản lý, các doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hoá ẩm thực và du lịch cũng như cộng đồng dân cư và du khách. Trước mắt, với du lịch Đất Tổ có thể thực hiện một số giải pháp như:

- Lựa chọn xây dựng thương hiệu và quảng bá một vài món ăn tiêu biểu, đặc sản ẩm thực của địa phương gắn với phát triển du lịch tại địa phương đó; Kết hợp xây dựng kịch bản Tour tham quan du lịch ẩm thực nhằm tạo ra các trải nghiệm phong phú và khó quên cho du khách: Phối hợp với các chuyên gia, nghệ nhân ẩm thực, các hiệp hội nghề nghiệp liên quan đến ẩm thực lựa chọn sản phẩm ẩm thực để xây dựng thương hiệu, phát triển thành sản phẩm du lịch đồng thời xây dựng kịch bản thực hiện tour trải nghiệm quy trình sản xuất và thưởng thức sản phẩm (có thể từ làng nghề Hùng Lô với Bánh chưng - Bánh giầy).

- Xây dựng, hoàn thiện các khu ẩm thực đường phố/ phố ẩm thực hoặc chợ ẩm thực đêm tại trung tâm thành phố Việt Trì, hoặc chợ quê tại các điểm đến du lịch (điểm du lịch văn hoá - cộng đồng Hùng Lô...): Khuyến khích các hộ kinh doanh ẩm thực tại các tuyến phố ẩm thực nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, xây dựng hình ảnh, thương hiệu của nhà hàng tạo sự đồng bộ, hấp dẫn, ấn tượng về diện mạo cho tuyến phố nhằm thu hút trải nghiệm của khách du lịch. Nghiên cứu hình thành các khu mua sắm, ăn uống về đêm để gia tăng dịch vụ, trải nghiệm và kéo dài lưu trú của khách khi đến với thành phố. 

- Xây dựng các chương trình, show diễn dạy nấu ăn phục vụ tham quan du lịch ẩm thực: Khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành hợp tác với các nhà hàng, các nghệ nhân ẩm thực xây dựng các chương trình, show diễn dạy nấu ăn cho khách du lịch, hướng dẫn khách từ việc đi chợ lựa chọn nguyên liệu đến cách chế biến món ăn nhằm làm phong phú trải nghiệm của khách về nghệ thuật ẩm thực địa phương, dần hình thành và định vị thương hiệu sản phẩm du lịch ẩm thực Đất Tổ ra cả nước.

- Đẩy mạnh tổ chức, tham gia các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch ẩm thực và sử dụng ẩm thực để quảng bá cho du lịch: Gắn hoạt động xúc tiến và quảng bá du lịch với các sự kiện văn hoá, lễ hội, ẩm thực để giới thiệu, quảng bá các món ăn, các đặc sản ẩm thực của vùng miền đến khách du lịch cũng như tạo thêm các sản phẩm, điểm hấp dẫn cho du lịch ẩm thực. Đẩy mạnh quảng bá văn hóa ẩm thực và du lịch ẩm thực Đất Tổ trên các kênh, chuyên mục truyền hình trung ương và địa phương, trên các website và mạng xã hội phổ biến như Facebook, Instagram, Youtube… có mức độ lan tỏa cao, mang lại hiệu quả tích cực trong thời gian ngắn.

- Xây dựng cơ sở dữ liệu về văn hoá và du lịch ẩm thực Đất Tổ để định vị và quảng bá Du lịch ẩm thực Phú Thọ trên Bản đồ Du lịch ẩm thực Việt Nam: Trên cơ sở định vị được các sản phẩm ẩm thực đặc trưng để phát triển và quảng bá sản phẩm du lịch ẩm thực tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu bằng các hình ảnh chất lượng cao, các video clip giới thiệu các món ăn, các chương trình trải nghiệm thực tế về ẩm thực để phát trên truyền hình, các phương tiện khác như website, sách ảnh, tập gấp cả bản in và bản điện tử; các thông tin, tư liệu, công thức chế biến món ăn, hướng dẫn trải nghiệm văn hóa ẩm thực... tiến tới xây dựng điểm lưu giữ, trưng bày các hình ảnh, mô hình các món ăn của vùng đất, các tư liệu về công thức chế biến cũng như văn hóa thưởng thức tạo thành điểm tham quan thú vị cho khách du lịch, vừa tham quan vừa được trải nghiệm thực tế các món ăn mình ưa thích.

- Phát huy hoạt động của các tổ chức, hội nghề nghiệp về du lịch, văn hoá ẩm thực để tạo liên minh phát triển sản phẩm Du lịch ẩm thực Đất Tổ trên cơ sở định vị thương hiệu Ẩm thực Đất Tổ: Hiệp hội Du lịch và Hội Văn hoá Ẩm thực tỉnh Phú Thọ là những tổ chức hạt nhân của mối liên kết phát triển nói trên. Trong đó, Hội Văn hoá Ẩm thực có vai trò định vị thương hiệu Ẩm thực Đất Tổ bằng việc đưa các món ăn tiêu biểu của Phú Thọ vào hệ thống những món ăn được các chuyên gia, tổ chức ẩm thực và các tổ chức như Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings), Tổ chức Top Việt Nam (Viettop) công nhận trên cả nước và thế giới (ví dụ: Top 100 món ăn đặc sản Việt Nam, toplist về các món ẩm thực, danh sách những món ăn cần thưởng thức một lần trong đời,…). Hiệp hội Du lịch có vai trò huy động sự vào cuộc của các hội viên trong việc xây dựng, xúc tiến quảng bá và thực hiện các tour du lịch ẩm thực, nâng cao nhận thức của các đơn vị liên quan trong việc phát triển loại hình và các sản phẩm du lịch ẩm thực.

Du lịch ẩm thực Đất Tổ là gương chiếu phản ánh văn hoá Đất Tổ. Sự kết nối từ văn hoá đến sản phẩm du lịch có thể đem lại hiệu quả thúc đẩy phát triển tích cực theo hiệu ứng domino đối với đa ngành, đa lĩnh vực và đặc biệt là đa chủ thể từ khách du lịch, cộng đồng dân cư điểm đến, đơn vị lữ hành, các nhà cung cấp dịch vụ du lịch… đến các nhà quản lý, hoạch định chính sách phát triển. Cùng với xu thế phát triển du lịch ẩm thực Việt Nam, du lịch ẩm thực Phú Thọ mong đợi sự bứt phá từ chính nội lực văn hoá ẩm thực đầy tiềm năng của tỉnh nhà./.    

Lê Thị Xuân Hương - Trung tâm TTXT Du lịch

0 Bình luận

Loading...