02 Tháng 12, 2022 | Nghiên cứu - Trao đổi
Du lịch về nguồn là hành trình văn hóa mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, du khách khi tham gia không chỉ được tham quan, giải trí mà còn có cơ hội trải nghiệm, hiểu biết thêm nhiều kiến thức về lịch sử, văn hóa truyền thống của địa phương nói riêng và của dân tộc nói chung. Gìn giữ, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch đã và đang góp phần quan trọng vào việc giáo dục lịch sử, bồi đắp niềm tự hào về các giá trị tốt đẹp của cha ông, khơi dậy tình yêu quê hương đất nước cho nhân dân.
Học sinh Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, thành phố Việt Trì tham gia tour du lịch trải nghiệm tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng - Bảo tàng Quân khu 2 - Miếu Lãi Lèn.
Tiềm năng lớn
Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2011-2020, định hướng đến năm 2030 xác định các sản phẩm du lịch đặc thù có lợi thế phát triển là du lịch gắn với lịch sử - văn hóa, du lịch cộng đồng, sinh thái, sự kiện,... Trong đó, sản phẩm du lịch gắn với lịch sử - văn hóa, du lịch cộng đồng là một trong những điểm nhấn quan trọng giúp quảng bá những giá trị văn hóa đặc sắc vùng Đất Tổ. Loại hình du lịch hấp dẫn này không chỉ giúp thu hút du khách trong nước, quốc tế mà còn tạo thu nhập bền vững cho người dân địa phương.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 967 di tích, trong đó có 324 di tích được Nhà nước xếp hạng gồm: Khu Di tích lịch sử Đền Hùng là di tích Quốc gia đặc biệt, 73 di tích cấp Quốc gia, 250 di tích cấp tỉnh. Trong số các di tích có một số khu, điểm di tích tiêu biểu trở thành “địa chỉ đỏ” trong công tác giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn” và là địa điểm tham quan hấp dẫn của du khách thập phương như: Khu Di tích lịch sử Đền Hùng; Đền Mẫu Âu Cơ, xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa; Đền Tam Giang, Chùa Đại Bi phường Bạch Hạc, thành phố Việt Trì; Đền Lăng Sương, xã Đồng Trung, huyện Thanh Thủy…
Chiếm gần 90% tổng lượng du khách mỗi năm, du lịch về nguồn là thế mạnh và là “đặc sản du lịch” của tỉnh, góp phần cho sự phát triển của các ngành dịch vụ lưu trú, ẩm thực... Mỗi năm, Phú Thọ đón và phục vụ từ năm triệu đến bảy triệu lượt khách tham quan và hành hương về với vùng đất phát tích cội nguồn dân tộc. Năm 2022, lượng khách tham quan, hành hương ước đạt 2,5 triệu lượt, trong đó một số di tích tiêu biểu mỗi năm đón lượng khách lớn như Khu Di tích lịch sử Đền Hùng hàng năm đón khoảng hai triệu lượt khách; Đền Mẫu Âu Cơ ở huyện Hạ Hòa hàng năm đón từ 500-700 nghìn lượt khách.
Ông Trần Thanh Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Phú Thọ cho biết: “Đến nay, khoảng trên 70% doanh nghiệp lữ hành của tỉnh đã xây dựng được những sản phẩm du lịch có các điểm đến là những di tích lịch sử, di tích văn hóa trên địa bàn tỉnh. Chúng tôi sẽ tiếp tục yêu cầu, khuyến khích các doanh nghiệp triển khai những hoạt động xúc tiến, quảng bá, phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch trong đó có du lịch về nguồn. Tăng cường sự liên kết, phối hợp giữa các cấp, ngành, doanh nghiệp du dịch, xây dựng hành trình tour theo chủ đề, nội dung phong phú, đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu, sinh hoạt văn hóa của du khách nói riêng và nhân dân nói chung”.
Du khách tham quan điểm du lịch văn hóa cộng đồng Hùng Lô gắn với Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia “lễ hội đình Hùng Lô”.
Tăng sức hấp dẫn
Những năm gần đây, Phú Thọ đã tập trung nhiều giải pháp đồng bộ để phát triển du lịch. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp xây dựng Phương án phát triển ngành du lịch tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để tích hợp vào Quy hoạch chung tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó định hướng xây dựng đến năm 2030 Phú Thọ trở thành trung tâm du lịch của vùng Trung du và miền núi phía Bắc, trở thành điểm đến hấp dẫn trong nước và quốc tế; đến năm 2050, Phú Thọ là trung tâm du lịch văn hóa cội nguồn của nước. Để thực hiện được những mục tiêu đã đề ra, ngành du lịch tỉnh đã tăng cường công tác phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương để huy động các nguồn lực tập trung đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, cơ sở hạ tầng vật chất kỹ thuật du lịch đồng bộ, hài hòa với kiến trúc, cảnh quan của từng khu, điểm du lịch đảm bảo đáp ứng tốt nhất nhu cầu của du khách.
Thiết thực giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, tỉnh đã chú trọng, quan tâm tới công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo di tích. Ngoài nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước, tỉnh cũng tích cực thực hiện xã hội hóa trong hoạt động bảo vệ di sản văn hóa nhằm khơi dậy những tiềm năng, thu hút sự tham gia đóng góp của các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước. Trong 10 năm qua, đã có hơn 230 lượt di tích của tỉnh được trùng tu tôn tạo, trong đó, kinh phí nhà nước đầu tư cho việc tu bổ nhiều di tích quan trọng đạt hơn 500 tỉ đồng; nguồn vốn xã hội hóa hơn 600 tỉ đồng.
Có thế mạnh và đã hình thành nhiều sản phẩm du lịch về nguồn, song hiện nay tại nhiều địa phương việc phát triển du lịch gắn với di tích lịch sử vẫn còn khó khăn, chưa khai thác hết tiềm năng. Do đó, ngành Du lịch tỉnh đã đề ra giải pháp đổi mới sản phẩm du lịch theo hướng tăng cường kết nối các điểm đến, hoàn thiện câu chuyện, bài thuyết minh liên quan đến di tích, bổ sung các dịch vụ thu hút du khách để tăng sức hấp dẫn, góp phần phát huy giá trị của di tích gắn với phát triển du lịch bền vững. Có thể kể đến các sản phẩm tour mới, hấp dẫn gắn với từng địa phương trên địa bàn thành phố Việt Trì như Chương trình du lịch học đường “Hướng về nguồn cội” triển khai các sản phẩm dịch vụ du lịch tại Đền Hùng, kết nối mô hình trường học với du lịch nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức về lịch sử, văn hóa, những giá trị truyền thống quý báu của dân tộc, những di sản đang hiện hữu ngay trên quê hương Đất Tổ. Trong hành trình về với cội nguồn của dân tộc Việt Nam, Đất Tổ còn là địa điểm để các cơ quan, đoàn thể, trường học... báo công dâng tổ tiên, tham quan trải nghiệm về cội nguồn lịch sử, cách mạng, dã ngoại, tổ chức team building, khám phá nét văn hóa di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.
Cùng với đó, Trung tâm thông tin Xúc tiến Du lịch đã chủ động thực hiện các hoạt động quảng bá hình ảnh du lịch Phú Thọ, đưa du lịch Phú Thọ gần hơn tới du khách thập phương. Sử dụng công nghệ thông tin trong việc quảng bá hình ảnh du lịch Phú Thọ qua hai trang thông tin điện tử dulichphutho.com.vn và dulichtaybac.vn; bốn trang mạng xã hội là facebook Du lịch Phú Thọ, fanpage Du lịch Phú Thọ, Hát Xoan Phú Thọ, Sản phẩm Du lịch Phú Thọ, kênh youtube Đất Tổ và ứng dụng Du lịch thông minh trên di động tạo hiệu ứng và sức hút cho du khách trong và ngoài tỉnh. Trung tâm đã kết nối xây dựng các tour du lịch trải nghiệm với gần 500 doanh nghiệp, đơn vị lữ hành tại các thị trường lớn như: Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội, Ninh Bình… và đặc biệt là tám tỉnh Tây Bắc mở rộng.
Đồng chí Nguyễn Đắc Thủy- Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định: “Các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn luôn được xem là tài nguyên du lịch có sức hấp dẫn và đã trở thành một trong những sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng của tỉnh. Để du lịch về nguồn thêm sức hấp dẫn đối với du khách, thời gian tới, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh phối hợp với các cấp chính quyền tiếp tục tuyên truyền, quảng bá các di tích lịch sử, cách mạng; huy động các nguồn lực trùng tu, tôn tạo các điểm di tích, tập trung đầu tư thêm hạ tầng cơ sở cũng như tăng cường kết nối với các tỉnh lân cận, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch về nguồn để các “địa chỉ đỏ” trở thành điểm đến hấp dẫn, cuốn hút du khách”.
(Nguồn: Báo Phú Thọ)
Danh mục
Bài viết nổi bật
Loading...