Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa tại Di tích Quốc gia đặc biệt Đền Hùng

23 Tháng 11, 2021 | Nghiên cứu - Trao đổi

11-1-

Con Lạc cháu Hồng hướng về nguồn cội.

Di tích lịch sử Đền Hùng được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 1272/QĐ-TTg, ngày 12/8/2009, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 6 tháng 12 năm 2012 tại phiên họp lần thứ 7 của Ủy ban Liên chính phủ công ước 2003 về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể. Điều này khẳng định Đền Hùng và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là di sản văn hóa độc đáo, có sức sống lâu bền, trở thành đạo lý truyền thống của đồng bào ta, là sức mạnh gắn kết cộng đồng. 

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, Đền Hùng và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vẫn được duy trì và phát huy từ thế hệ này sang thế hệ khác bởi ý chí, tinh thần của cả quốc gia, dân tộc. Trong sâu thẳm tâm thức của mỗi người dân Việt Nam, các Vua Hùng đã có công xây dựng Nhà nước Văn Lang, nhà nước đầu tiên, sơ khai của dân tộc Việt Nam. Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương mồng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm là ngày giỗ ông Tổ chung của dân tộc, đó chính là sự biết ơn đối với công lao dựng nước và giữ nước của các bậc tiền nhân. Di tích lịch sử Đền Hùng với nhiều giá trị di sản vật thể, bao gồm: Đền Hạ, Đền Trung, Đền Thượng, Đền Giếng, Lăng Hùng Vương, Cột đá thề, Đền Tổ Mẫu Âu Cơ, Đền Quốc Tổ Lạc Long Quân... và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương chính là trung tâm thực hành tín ngưỡng cao nhất để con cháu người Việt tưởng nhớ, thể hiện lòng biết ơn đối với tổ tiên mình. Với vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần, tâm linh của dân tộc, Khu di tích lịch sử Đền Hùng thực hiện tốt các mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị của di sản, đã thực hiện tốt công tác tu bổ, tôn tạo các không gian thờ tự, nghi lễ, diễn xướng liên quan và khuyến khích trao truyền, thực hành nghi lễ, tín ngưỡng cho các thế hệ kế cận; nâng cao vai trò của cộng đồng dân cư trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản; tuyên truyền, quảng bá Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương trên các phương tiện thông tin đại chúng; khảo sát, xây dựng khu, điểm du lịch, gắn kết các di tích với tour, tuyến du lịch.

den-hung9-1585801436 -1-


Trong những năm qua, Đền Hùng luôn quan tâm triển khai thực hiện các dự án trùng tu, tôn tạo đền, chùa, xây dựng bổ sung các công trình văn hóa tạo không gian thờ cúng trang nghiêm, điểm du lịch tâm linh hấp dẫn; trong đó có các dự án được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn đầu tư công và nguồn vốn công đức, xã hội hóa với tổng kinh phí trên 300 tỉ đồng, như: Dự án Hạ tầng kỹ thuật Khu di tích lịch sử Đền Hùng giai đoạn 2016-2020; dự án hoàn thiện tu bổ, tôn tạo cảnh quan trung tâm lễ hội; cải tạo hệ thống đường bậc từ đền Thượng qua cầu Tiên Dung xuống đền Giếng; mở mới và cải tạo một số tuyến đường dạo nội bộ trong Khu di tích; cải tạo, chỉnh trang cảnh quan xung quanh khu vực hồ Mai An Tiêm; cầu đi bộ Mai An Tiêm; cải tạo các ki ốt ven hồ Mai An Tiêm thành nơi nghỉ chân; lắp đặt hệ thống cột cờ tại cổng trung tâm lễ hội; trùng tu, tôn tạo tại các đền, chùa trong Khu di tích; cải tạo, chỉnh trang cảnh quan khu vực ngã 5 đền Giếng; lắp đặt hệ thống chiếu sáng tại Đền Hùng; cải tạo nhà Đại đoàn kết; hệ thống chiếu sáng tuyến đường số 1 và quốc lộ 32C…Tất cả các công trình, dự án đã được triển khai thực hiện hiệu quả tạo một diện mạo mới và thuận tiện cho du khách đến thăm viếng Đền Hùng.

Hàng năm, Khu di tích Đền Hùng hướng dẫn nhân dân thực hành các nghi lễ, tín ngưỡng truyền thống; tổ chức nghiên cứu, sưu tầm các truyền thuyết, nghi lễ, diễn xướng dân gian, tục hèm…; tham mưu xây dựng kịch bản tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm thành lễ hội mẫu mực trong cả nước. Với vai trò là cơ quan chuyên môn, Khu di tích Đền Hùng tổ chức tập huấn, trao truyền di sản cho cộng đồng bằng nhiều hình thức đa dạng: Hướng dẫn cộng đồng tổ chức lễ dâng hương, lễ báo công, dâng cúng lễ vật; tổ chức trải nghiệm, thuyết minh lịch sử cho học sinh… nhằm giáo dục ý thức hướng về cội nguồn và truyền thống yêu nước, tinh thần đại đoàn kết dân tộc.


denhung1-1


Công tác sưu tầm, kiểm kê di sản được chú trọng, Khu di tích lịch sử Đền Hùng tổ chức điền dã, kiểm kê, tư liệu hóa nguồn tư liệu về các nghi thức thờ cúng, tục hèm, truyền thuyết, hình thức diễn xướng, các thực hành lễ hội, bí quyết làm lễ vật, tư liệu chữ Hán… để lưu giữ, phổ biến thông qua các báo cáo, đề tài khoa học nhằm đánh giá thực trạng các di sản, các nghi thức thờ cúng hiện nay so với các nghi lễ truyền thống, từ đó đề xuất kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản.  Phối hợp với cơ quan quan truyền thông sản xuất phim tư liệu giới thiệu về Đền Hùng, về ngày giỗ Tổ và Lễ hội Đền Hùng; viết và xuất bản cuốn sách giới thiệu về Đền Hùng.

Hình ảnh Đền Hùng, những bài viết tuyên truyền về ngày Giỗ Tổ và các hoạt động văn hóa dân gian trong dịp Giỗ Tổ cũng được quảng bá, tuyên truyền bằng nhiều hình thức: Bano, băng zôn, tranh cổ động, website, cổng thông tin điện tử… góp phần đưa hình ảnh Đền Hùng và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đến gần hơn với đông đảo đồng bào. Thành công trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản là từ Khu di tích lịch sử Đền Hùng - Trung tâm thực hành nghi lễ tín ngưỡng, với sự hội tụ sâu sắc nghĩa “đồng bào”, ý thức cội nguồn của hàng triệu người dân đất Việt và sự “lan tỏa” mạnh mẽ từ nơi Đất Tổ đến mọi miền đất nước có người Việt sinh sống thể hiện tấm lòng hướng về nguồn cội, đều mong muốn được về Đền Hùng thắp nén tâm hương tri ân công đức Tổ tiên. 

Bằng trách nhiệm và sự tâm huyết của những người trực tiếp làm công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, trong những năm qua, cán bộ, viên chức và người lao động Khu di tích lịch sử Đền Hùng đã nỗ lực thực hiện bằng nhiều biện pháp để di sản luôn trường tồn và phát huy giá trị, để Đền Hùng và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thực sự là điểm tâm linh về cội nguồn không thể thiếu đối với mỗi người con mang trong mình dòng máu Lạc Hồng.

(Nguồn: baophutho.vn)

0 Bình luận

Loading...