Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa “Lễ hội mở cửa rừng của người Mường” , xây dựng điểm đến du lịch văn hóa trải nghiệm

09 Tháng 2, 2022 | Nghiên cứu - Trao đổi

Người Mường huyện Yên Lập là một trong những dân tộc còn lưu giữ được bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo. Nổi bật nhất trong đó là “Lễ hội mở cửa rừng” (tiếng Mường là Đooc Moong) ở xã Minh Hòa. Sau một thời gian bị mai một, từ năm 2014 đến nay, lễ hội được phục dựng và trở thành ngày hội không thể thiếu mỗi dịp Tết đến xuân về nơi đây. Song hành cùng với những nỗ lực chung trong việc phục dựng và bảo tồn nét đẹp văn hóa độc đáo thì cấp ủy chính quyên và nhân dân trong huyện đã và đang xúc tiến xây dựng điểm dến du lịch văn hóa trải nghiệm hấp dẫn.

Lễ hội truyền thống độc đáo

Lễ hội mở cửa rừng xã Minh Hòa được tổ chức vào ngày mùng 6 tháng Giêng hàng năm, với ý nghĩa mở ra một mùa săn bắt, hái lượm mới của người Mường; cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, đồng thời thể hiện ước nguyện, khát vọng của con người về một cuộc sống ấm no, sung túc đủ đầy, bản làng hòa thuận vui vẻ. Lễ hội diễn ra với hai phần: Phần lễ và phần hội. Phần lễ tái hiện mô phỏng cuộc đi săn của các phường săn xưa. Bắt đầu nghi thức đi săn, một người săn giỏi (trùm săn) sẽ cùng các bậc lão niên giàu kinh nghiệm bàn định hướng xuất phát và chọn điểm săn. Các tay săn còn lại trong phường tỏa ra vây, tìm chỗ đón lõng thú rừng ở các khe, các lối mòn đợi chờ con thú đi qua. Mỗi lần đi săn các tay thợ sẽ sử dụng chó săn được huấn luyện tìm theo dấu con mồi. Khi thú rừng trong vòng vây, các tay săn dần khép vòng vây, dùng gậy nhọn, cây lao chặn đánh, quây bắt muông thú. Sau khi các tay săn đưa con thú trở về điểm tập kết ban đầu, một hồi cồng kéo dài được cất lên, báo hiệu cuộc đi săn kết thúc.

Có thể là hình ảnh về 6 người, mọi người đang đứng và ngoài trời

 Lễ hội Mở cửa rừng thu hút nhiều người tham gia tự nguyện một cách rất vui vẻ. Nếu buổi săn hôm đó được thú, làng Mường vui mừng đánh cồng, gõ phách. Họ khiêng con thú đến sân miếu, sân đình. Ông mo thay mặt dân xã mặc áo thụng, đội mũ tai én làm lễ khấn vị thánh hoặc Thành hoàng mà cộng đồng thờ phù trợ mùa màng tươi tốt. Nếu không được thú gì, dân bản thay bằng dê, lợn, có khi là bò để cúng thần. Xưa kia khi rừng còn bao phủ hầu hết núi non, một khi đã kéo dân chúng đi Đoọc Moong thì thế nào cũng phải săn bắn được thú. Khu rừng được chọn thường là nơi cấm săn bắt trong năm để nhiều thú về ở. Sau lễ tế Thánh hoặc Thành Hoàng, mọi người tự mang cơm và rượu cần đến vui mừng suốt ngày tới tận đêm khuya. Ngoài con thú được dâng lễ, hễ phường săn có bắt thêm được con thú nào khác, làng có lệ chia phần như sau: Người nào giết chết con thú sẽ được hưởng một đùi sau cùng đầu con vật, vị trí cắt lấy đầu tính bằng cách tóm cái tai con vật vít xuống phía cổ, đầu nhọn tai đến đâu thì cắt phần cổ đến đó. Sau đấy, họ mổ con vật ra lấy thịt chia đều, phần của người đi săn được theo số lượng của bầy thú đi săn cùng. Người giết được con thú cốt yếu là nhận về sự vinh quang, cảm phục của người trong mường chứ lợi lộc chẳng là mấy, bởi lẽ khi nhận phần đem về nhà, người giết được thú phải tốn kém nhiều rượu thịt để khoản đãi dân mường đến chúc mừng anh ta. Tuy vậy, dù là tốn kém nhưng người giết được thú lấy làm vui mừng lắm, cho là gia đình có phúc lớn, tin trong năm làm ăn gặp nhiều may mắn.

Bên cạnh các nghi thức lễ tế là phần hội tưng bừng náo nhiệt với các tiết mục văn nghệ dân gian như: Hát giang, hát ví, múa mỡi, múa sênh tiền, hò đu, đâm đuống… và những trò chơi dân gian như kéo co, đi cầu, chọi bi,  thi đấu thể thao như bóng chuyền, bắn nỏ… Âm vang của tiếng nhạc, tiếng cồng chiêng, hòa cùng tiếng hò reo, nói cười làm bừng lên không khí vui tươi, sôi nổi, khích lệ tinh thần hăng say lao động trước một mùa khai sơn mới.

Có thể là hình ảnh về 11 người, mọi người đang đứng, cây và ngoài trời

Lễ hội mở cửa rừng của người Mường xã Minh Hòa, huyện Yên Lập  mang ý nghĩa “tạ ơn” núi rừng, mong các thần linh phù trợ một mùa săn bắt, hái lượm và gieo trồng gặp nhiều may mắn. Đây là một trong số những lễ hội trên địa bàn tỉnh gắn với tín ngưỡng cầu mùa, canh tác của người Mường cổ. Lễ hội Mở cửa rừng ngày đầu năm mới không thuần túy chỉ là ngày Hội đi săn mở rộng ý nghĩa thành ngày hội của cả bản làng chứa đựng nhiều yếu tố văn hóa đặc trưng của cộng đồng như đánh chiêng, leo núi, vui hò, uống rượu cần, thi tài bắn nỏ, đâm lao... giúp con người sống gắn bó với nhau hơn trong môi trương văn hóa bản Mường. 

 Lễ hội mở cửa rừng ở xã Minh Hòa nói riêng và huyện Yên Lập nói chung đã thành công trong thể nghiệm khôi phục lễ hội gốc về xây dựng một ngày hội văn hóa dân tộc của một huyện, một vùng bằng cách lấy cốt lõi - trục xuyên tâm là một phong tục nghi thức có sức thu hút rồi tích hợp các yếu tố văn hóa nổi trội trong cả vùng để trở thành một ngày hội văn hóa truyền thống diễn ra trong đương đại, mang hình thức và hơi thở của một lễ hội dân gian vốn sâu đậm trong truyền thống văn hóa các dân tộc Việt Nam. Thành công này là khôi phục bảo tồn, phát huy, quảng bá tổ chức trải nghiệm: tạo môi trường xã hội và nhân văn bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa theo phương thức dân gian, trả lại lễ hội cho người dân như vốn có trong truyền thống, tiết kiệm ngân sách nhà nước, tiết kiệm thời gian cho các cơ quan nhà nước và người dân…

Điểm đến du lịch văn hóa trải nghiệm hấp dẫn

Trong “Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2011-2020, định hướng đến năm 2030” đã hoạch định mục tiêu: “Sau năm 2020, du lịch Phú Thọ tập trung nâng cao chất lượng, phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng có thương hiệu, có sức cạnh tranh; mang đậm bản sắc văn hóa vùng đất Tổ, hướng tới mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh”. Trong lĩnh vực du lịch tâm linh, Lễ hội mở cửa rừng của người Mường đã thu hút rất đông du khách trong huyện và trong tỉnh về thưởng thức nghi lễ độc đáo “có một không hai” cũng như tham gia vào phần hội. Hai năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng dịch bệnh COVID - 19, lễ hội không được tổ chức với quy mô lớn như mọi năm. Tuy nhiên về lâu dài, việc xây dựng không gian Lễ hội mở cửa rừng ở xã Minh Hòa trở thành điểm đến du lịch văn hóa trải nghiệm hấp dẫn du khách là  yếu tố quan trọng để xúc tiến tiềm năng du lịch tại địa phương.

Trong quá trình xây dựng và định vị thương hiệu du lịch Phú Thọ, du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái cộng đồng là những dòng sản phẩm du lịch cốt lõi, sở hữu ưu thế vượt trội cả về tự nhiên lẫn sự đầu tư của địa phương. Để tạo ra sự khác biệt, độc đáo và hấp dẫn cho sản phẩm du lịch Phú Thọ vấn đề cốt lõi nằm ở chất lượng dịch vụ và xây dựng hình ảnh. Đặc biệt, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch, phương án thúc đẩy trải nghiệm của du khách trong việc hòa mình vào không gian lễ hội ví dụ như: đóng vai thợ săn tham gia nghi lễ đi săn, thưởng thức thịt thú rừng, hát đu, hát giang, hát ví, Hò đu cùng với đồng bào người Mường. Để du khách thật sự trở thành một phần của lễ hội văn hóa tâm linh ấy, ban tổ chức cần đưa phần trải nghiệm vào kịch bản chương trình.

Lễ hội mở cửa rừng xã Minh Hòa diễn ra trong hai ngày mùng 6 và mùng 7 Âm lịch, để thu hút đông đảo du khách hơn nữa, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng trong tỉnh và liên kết giữa các tuyến, điểm du lịch; xây dựng hệ thống cơ sở lưu trú có chất lượng cao; tăng cường đa dạng hóa các dịch vụ bổ sung cũng phải được bố trí bài bản và quy củ, tránh tạp nham, xô bồ gây ảnh hưởng không gian tâm linh của lễ hội. Cùng với đó, việc thu hút đầu tư, tạo thành liên kết với các công ty, doanh nghiệp lữ hành kết nối các đoàn khách du lịch, người có nhu cầu trải nghiệm văn hóa tâm linh là điều hết sức cần thiết.

Tuyên truyền quảng bá du lịch thông qua các ấn phẩm truyền thông, truyền hình. Xây dựng và tổ chức các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch có trọng tâm, trọng điểm gắn với các sự kiện văn hóa lễ hội, hội chợ, hội nghị, hội thảo. Tích cực triển khai thực hiện công tác xã hội hóa và tăng cường liên kết hợp tác với các tỉnh, thành phố trong hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch. Bên cạnh đó, có sự kết hợp chặt chẽ giữa Nhà nước và doanh nghiệp, giữa địa phương và Trung ương trong quảng bá, xúc tiến du lịch thông qua nhiều hoạt động khác nhau. 

ThS.Phùng Duy Nam

Phó trưởng phòng VHTT huyện Yên Lập

 

0 Bình luận

Loading...