Sức hút đặc biệt từ du lịch nông nghiệp nông thôn

25 Tháng 3, 2022 | Nghiên cứu - Trao đổi

Những định hướng và quyết sách của Chính phủ, sự phối hợp nhịp nhàng của các ban ngành, địa phương cùng sự năng động, sáng tạo của người làm du lịch đã khắc họa thêm cho bức tranh Du lịch Việt Nam nét chấm phá mới với gam màu sáng và ấn tượng. Đó là dấu ấn của sự gắn kết liên ngành để tạo ra dòng sản phẩm du lịch nông nghiệp nông thôn với sức hút đặc biệt.

Một sớm trên cánh đồng Tà Pạ (An Giang). Ảnh: Trần Ngọc Dũng

Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Du lịch nông nghiệp nông thôn được xác định là một giải pháp động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững, đồng thời nông thôn mới là nền tảng hỗ trợ cho sự phát triển đa dạng, chất lượng, ổn định của điểm đến du lịch. Triển khai hiệu quả dòng sản phẩm du lịch nông nghiệp nông thôn sẽ góp phần thực hiện đồng thời hai mục tiêu quan trọng, đó là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đạt mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới bền vững. Và, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về chủ trương phát triển du lịch nông thôn là một trong những nội dung quan trọng của Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó điểm quan trọng của Chương trình là góp phần tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, mục tiêu chính của Chương trình xây dựng nông thôn mới là triển khai thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hóa đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững. Phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, với mục đích phát triển du lịch nông thôn bền vững, bao trùm, đa giá trị nhằm khai thác hiệu quả các giá trị văn hóa và tự nhiên đặc sắc gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới và sáng tạo…

Phân tích về sự gắn kết, đồng hành phát triển của hai lĩnh vực này, tại Diễn đàn Xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch nông thôn thông qua chuyển đổi số, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc cho rằng, du lịch nông thôn đóng vai trò quan trọng trong tổng thể phát triển du lịch Việt Nam. Trong tổ chức không gian, kết nối với đô thị và các trung tâm du lịch, du lịch nông thôn góp phần mở rộng phạm vi không gian và kéo dài thời gian lưu trú của du khách. Phát triển du lịch nông thôn trong Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 được xác định là một trong những động lực đem lại việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn đồng thời bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường.

Tạo sinh kế cho người dân, đáp ứng nhu cầu thị trường

Ghi nhận từ thực tế ở nhiều địa phương cho thấy, mô hình phát triển dòng sản phẩm du lịch nông thôn nhằm tạo sự khác biệt và thu hút du khách bằng sản phẩm đặc trưng đã được đẩy mạnh trong cả nước. Tại Hà Nội, mô hình này đã được triển khai tại làng nghề Bát Tràng và Ba Vì... Các tour nông thôn này đã tạo được hiệu ứng tích cực đối với du khách. Bởi với sự “bí bách” của dịch bệnh như hiện nay, khi tham gia tour nông thôn, khách được khám phá, trải nghiệm du lịch nông nghiệp, được sống và sinh hoạt cùng người dân nông thôn, văn hóa vùng miền, được hòa mình vào thiên nhiên với những hứng khởi mới.

Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho hay, năm 2021 Hà Nội có 8 sản phẩm đăng ký thuộc nhóm dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng là các sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch. Việc các sản phẩm dịch vụ du lịch tham gia Chương trình OCOP là hướng đi đúng để chuẩn hóa và phát triển. Qua đó, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế, văn hóa khu vực nông thôn Hà Nội. Khi sản phẩm du lịch được công nhận là sản phẩm OCOP sẽ được nhiều du khách biết đến…

Khảo sát tại Ninh Bình cũng cho thấy, việc phát triển du lịch kết hợp với nông nghiệp nông thôn, phát triển sản phẩm du lịch OCOP đã đem lại nhiều hiệu quả thông qua các mô hình tour cộng đồng hấp dẫn. Mô hình du lịch này giúp nhiều lao động vùng nông thôn có việc làm; giúp khai thác các giá trị nội tại vùng nông thôn, duy trì, bảo tồn, lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống; góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhiều xã nông thôn mới đã khai thác những tiềm năng, thế mạnh của các hợp tác xã, các chủ trang trại tại địa phương và đã liên kết với các trang trại xây dựng thành tour cộng đồng với nhiều mô hình hấp dẫn như: du lịch trang trại đồng quê, miệt vườn, trải nghiệm làm nông dân, du lịch sinh thái, câu cá…

Không nằm ngoài xu hướng phát triển chung, tại Điện Biên đã xây dựng các mô hình Homestay Mường Then (xã Thanh Luông) và Homestay Phương Ðức (xã Mường Phăng) để phát triển du lịch nông thôn gắn với sản phẩm OCOP. Tại huyện Ðiện Biên, Tuần Giáo đã phát triển sản phẩm chủ lực gắn với du lịch sinh thái nông thôn như vườn cây vú sữa nông thôn mới kiểu mẫu (Ðiện Biên), thu hút đông đảo du khách đến tham quan kết hợp thưởng thức và mua sản phẩm tại vườn. Với mô hình du lịch nông nghiệp nông thôn, khách du lịch có thể trải nghiệm đời sống sinh hoạt, sản xuất, phong tục của đồng bào dân tộc Thái; tìm hiểu các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng đồng thời di chuyển thuận lợi đến những điểm du lịch lân cận.

Hầu hết các homestay được đầu tư tại các làng, bản trên cơ sở khai thác các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, cảnh quan. Ngoài dịch vụ phòng cho thuê, các hộ gia đình còn cung cấp dịch vụ ăn uống, vận chuyển, tham quan và một số dịch vụ vui chơi giải trí ngoài trời (câu cá, tham gia hoạt động sản xuất nông nghiệp truyền thống). Nhiều bản vùng cao phía Bắc (Hòa Bình, Hà Giang, Yên Bái...) đã có doanh thu hàng tỷ đồng/năm nhờ cung cấp dịch vụ homestay và các dịch vụ khác. Thu nhập của nhiều hộ gia đình tại các bản làng làm du lịch đạt 50 - 60 triệu đồng/năm. Du lịch nông thôn đã tạo thêm nguồn sinh kế, đem lại thu nhập ổn định, góp phần cải thiện đời sống của bà con nông dân ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam, giúp người dân gắn bó với quê hương hơn...

Khám phá làng quê bằng xe bò (Ninh Bình). Ảnh: Trần Văn Lũy

Xu thế tất yếu

Việc phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn không chỉ có ý nghĩa phát triển một loại hình du lịch mới, tạo ra những sản phẩm du lịch khác biệt, mà còn là một phương pháp hiệu quả nhằm duy trì, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống đang phải chịu áp lực của phát triển kinh tế và quá trình đô thị hóa. Trong quá trình đô thị hóa và hiện đại hóa, nhu cầu du lịch về những vùng quê nông thôn bình dị, không khí trong lành, cảnh quan thiên nhiên gắn với các giá trị văn hóa truyền thống của khách du lịch là xu thế tất yếu, nhất là khách du lịch sinh sống ở vùng đô thị.

Trong Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch lồng ghép nội dung phát triển du lịch nông thôn vào Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Do đó, để đạt được hiệu quả phát triển du lịch nông thôn trong giai đoạn tới, điểm đến du lịch nông thôn phải được được quy hoạch, đầu tư đồng bộ đảm bảo các yếu tố cảnh quan, môi trường, hệ thống đường giao thông, cơ sở hạ tầng kỹ thuật… Các điểm đến du lịch nông thôn cần được tổ chức quy hoạch không gian đảm bảo các điều kiện để khai thác điểm đến du lịch mang bản sắc vùng miền.

TS. Đoàn Mạnh Cương - Văn phòng Quốc hội cho rằng, để phát triển du lịch nông nghiệp gắn với Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững cần phát triển nguồn nhân lực du lịch nông nghiệp. Trong đó, cán bộ ngành Du lịch, đặc biệt là cấp cơ sở cần được nâng cao trình độ, kỹ năng, nhất là năng lực trong tham mưu xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, được tiếp cận tri thức, công nghệ mới trong xúc tiến, quảng bá, truyền thông. Đối với các hộ dân làm du lịch cộng đồng, cần bổ sung vốn kiến thức về văn hóa bản địa, tăng cường đào tạo cung cách, kỹ năng phục vụ du lịch... Các địa phương cần đổi mới và xây dựng kế hoạch hoàn chỉnh cho quảng bá du lịch nông nghiệp trên cơ sở giá trị đặc trưng, nổi bật của từng địa phương gắn với nhu cầu thị trường. Sản phẩm du lịch nông nghiệp phải gắn với các sản vật được sản xuất tại địa phương, gắn với chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) mang thương hiệu của địa phương. Các doanh nghiệp lữ hành cần phối hợp các địa phương có điểm đến để nghiên cứu thị trường, định hướng nhu cầu, thúc đẩy đầu tư, phát triển sản phẩm, tiếp thị, quảng bá thu hút khách…

Đồng thời, cần chú trọng công tác điều phối và quản lý điểm đến nhằm phát triển du lịch nông nghiệp bền vững; quản lý chất lượng dịch vụ lồng ghép những yếu tố về bảo tồn văn hóa và cam kết bảo đảm chất lượng dịch vụ giữa các nhà cung ứng dịch vụ với các doanh nghiệp lữ hành; xây dựng tiêu chí đánh giá và hỗ trợ hình thành các mô hình trang trại du lịch kiểu mẫu (farmstay) trên cơ sở xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp - du lịch...

(Theo: Đoàn Hoa - vtr.org.vn)

0 Bình luận

Loading...