Đền Tam Giang Bạch Hạc - Lịch sử và huyền thoại

04 Tháng 4, 2023 | Nghiên cứu - Trao đổi

Ở Đất Tổ Phú Thọ, ngoài cụm di tích quốc gia đặc biệt Đền Hùng còn có hơn 1.800 di sản, di tích. Trong đó, nơi hợp lưu 3 con sông Hồng, sông Lô và sông Đà có di tích Đền Tam Giang - Bạch Hạc, nơi chứa đựng những câu chuyện huyền thoại và lịch sử.

Ông Nguyễn Văn Cống, Phó Trưởng Ban quản lý di tích cho biết: “Cụm di tích đền Tam Giang hiện nay có chùa, đình và đền, có nhà Mẫu. Chùa thờ phái Mật Tông, đình thờ Tam Thánh, tức Tam Vị Đại Vương, trong đó có 2 vị nhân thần, thứ nhất là tướng Trần Nhật Duật và thứ 2 là Đại tướng Quách A Nương, vị tướng thời Hai Bà Trưng. Còn một vị thánh nữa là Cao quan Đại Vương là người có công từ thời Hùng Vương đã cùng với các tướng lĩnh và Vua Hùng đắp đê trong vùng này trồng lúa nước và cũng là một vị tướng giỏi trong thời kỳ Hùng Vương. Mẫu thì thờ Mẫu Tam Phủ, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa. Những phong tục tập quán xung quanh vùng di tích này thì 1 năm  có 2 cái lễ hội lớn. Lễ hội lớn nhất là ngày 10 tháng 3, rất trùng lặp là ngày sinh của Đức Thánh, trùng với ngày Giỗ Tổ, cái thứ hai là lễ hội ngày 25 tháng 9 là ngày hóa của Đức Thánh. Các lễ tái hiện thì có tái hiện lại nấu cơm thi để nuôi quân, tái hiện thứ hai là bơi chải truyền thống hằng năm. Và đặc biệt là lễ rước nước không nơi nào có được”.

Theo sử sách, đền Tam Giang sơ khởi là một đạo quán được gọi là quán Thông Thánh và xuất hiện từ năm Vĩnh Huy (tức năm 650 - 655), sau được đổi thành đền. Nơi di tích này đến ngày nay vẫn được truyền tụng câu chuyện huyền thoại. Tương truyền, vào những năm Vĩnh Huy (650 - 655) đời nhà Đường, Lý Thường Minh lúc bấy giờ là đô đốc quận Giao Châu, thấy Bạch Hạc là vùng đất sơn chầu thủy tụ, sông núi ngàn dặm đều dồn về ngã ba sông, cho đây là đất tụ linh nên đã xây Thông Thánh Quán ở nơi này với tượng Tam Thanh và xây dựng hai tòa trước, sau. Ông định tô tượng nhưng phân vân không biết thần đất nơi đây ra sao nên biện lễ khấn thần: “Thần đất ở đây nếu linh thiêng thì xin hiện dạng cho được biết để tô tượng thờ”.

Lời khấn linh nghiệm ngay trong đêm đó, Lý Thường Minh nằm mộng thấy có hai dị nhân tướng mạo ngang tàng dẫn theo tùy tùng bước ra, tự xưng là Thổ Lệnh và Thạch Khanh. Lý Thường Minh nói: “Xin hai vị thử tài cao thấp, ai thắng thì được ở lại”. Ngay lập tức Thạch Khanh nhảy một bước qua sông thì đã thấy ngài Thổ Lệnh bên đó rồi, bèn nhảy lùi một bước về thì lại thấy ngài Thổ Lệnh bên này sông rồi. Thấy tài cao của các vị thần, Lý Thường Minh cho đắp tượng thờ thần Thổ Lệnh tại Thông Thánh Quán (nay là đền Tam Giang) và Thạch Khanh được thờ ở đền Chi Cát (nay thuộc phường Tiên Cát, thành phố Việt Trì).

Cuộc thi bước qua sông của hai vị thần đã để lại dấu ấn đến nay, một vết chân trước đền Tam Giang  (nay là di tích vết chân Thổ Lệnh) và một gót chân tại Bến Gót (nay thuộc phường Bến Gót, thành phố Việt Trì). Từ đó, đất quý thần thiêng, Đền Bạch Hạc luôn ấm khói thơm hương. Dân làng ai đến cầu đều linh nghiệm, các tướng lĩnh đời sau phụng mạng triều đình đi đánh giặc vào đền yết lễ và được ứng giúp thắng lợi.

Đặc biệt, lịch sử ghi lại rằng, trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông ở thế kỷ XIII, triều đình nhà Trần đã nhiều lần chọn ngã ba Bạch Hạc làm nơi huấn luyện quân sĩ. Tả Thánh Thái Sư Trần Nhật Duật (con trai thứ 6 của Vua Trần Thái Tông, người đã có 50 năm làm tướng và giữ nhiều trọng trách quan trọng trong triều đình của 5 đời vua), vào ngày Tết Thượng nguyên năm Ất Dậu (1285), đã cắt tóc thề với thần linh, tổ tiên nguyện đem hết lòng trung thành để báo ơn vua rồi chỉ huy binh sĩ ra trận, kiên cường, mưu trí ngăn cản bước tiến công và tiêu hao sinh lực địch, góp phần vào chiến thắng oanh liệt của quân dân nhà Trần năm 1287. Sau đại thắng quân Nguyên Mông, Thái sư Trần Nhật Duật làm lễ tạ thần ở đền thiêng Tam Giang và cho xây dựng lại đền, đúc chuông lớn cung tiến. Để bày tỏ lòng biết ơn công lao của vị anh hùng dân tộc, người dân nơi đây đã tôn thờ ông trong đền Tam Giang.

Ông Trần Văn Lượng, một người cao tuổi ở Bạch Hạc chia sẻ: “Bạch Hạc là một vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi có 3 dòng sông lớn, hay nói cách khác nữa là tất cả các dòng sông lớn phía Bắc đều không lưu tại ngã ba. Nếu về phong thủy, người ta nói là sông Hồng là Long Mạch của nước Nam thì huyệt đạo huyệt đạo ngã ba Hạc là huyệt đạo của cả nước. Ngôi đền rất linh thiêng”. 

Cùng với việc thờ tự Tam Thánh, xuất phát từ tín ngưỡng Tam Phủ - một tín ngưỡng nguyên thủy của người Việt cổ, trong đền Tam Giang còn thờ các nữ thần tự nhiên như: Mẫu Thoải - cai quản sông nước, Mẫu Thượng Ngàn - cai quản núi rừng, Mẫu Cửu Trùng - cai quản bầu trời.

Trải qua biến cố của thời gian hàng ngàn năm và các cuộc kháng chiến, đền Tam Giang – Bạch Hạc nhiều lần được khôi phục lại trên nền đền xưa đến nay thành cụm di tích khá hoàn chỉnh. Đặc biệt, nơi đây còn lưu giữ được nhiều phong tục và lễ hội đặc sắc. Bà Lê Thị Xuân Hương, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh Phú Thọ chia sẻ về lễ rước nước độc đáo riêng có ở đền Tam Giang - Bạch Hạc: "Việc chuẩn bị cho lễ rước nước được chuẩn bị rất kỹ. Đoàn rước nước gồm đội tế nam 13 người, đội tế nữ 13 người mặc trang phục riêng, đại diện các tổ chức, hội, xóm. Sáng 8-3 âm lịch, thuyền chở đoàn rước đến đúng điểm xoáy nước giao nhau của các dòng sông, nơi được cho là nước thiêng, vô cùng thanh khiết. Điểm đặc biệt của nước ở vùng ngã ba sông là một bên ấm, 1 bên mát. Khi thỉnh nước phải lấy đúng điểm và đúng tỷ lệ. Đoàn thực hiện nghi thức tế lễ trên sông hết sức trang trọng, lấy nước vào chóe sứ để dâng lên trước án, cùng với các phẩm vật khác để tế lễ. Người dân nơi đây có một lòng tin son sắt đối với nguồn nước này”.

Việc duy trì lễ hội hàng năm ở Đền Bạch Hạc vừa thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn” vừa góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa tinh thần gắn với các di tích trên địa bàn ngã ba sông, là niềm tự hào của người dân nơi đây. Cùng với những đặc sắc về lễ hội, đền Tam Giang - Bạch Hạc còn lưu giữ nhiều cổ vật quý như chuông đồng mang tên “Thông thánh quán chung ký” có niên đại Minh Mệnh năm thứ 11 và các bài minh chuông như: Thác bản chuông “Phụng Thái Thanh Từ” niên đại Gia Long năm thứ 17, “Thông Thánh Quán” niên đại Đại Khánh thứ 8 đời vua Trần Minh Tông. Với những giá trị lịch sử to lớn mà đền Tam Giang đã lưu giữ, năm 2010, bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận đền Tam Giang là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Bạch Hạc là vùng đất của các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, từ xưa đã sầm uất nên được gọi là Kẻ Hạc. Phát huy truyền thống của vùng đất “địa linh nhân kiệt”, ngày nay, trong công cuộc đổi mới, Bạch Hạc đang thay da đổi thịt từng ngày. Song song với phát triển kinh tế - xã hội, các khu di tích trên địa bàn vùng Bạch Hạc được bảo tồn, tôn tạo ngày càng khang trang. Khu di tích đền Tam Giang được đầu tư tu bổ, mở rộng quy mô 21.000m2 trên nền ngôi đền xưa. Cùng với vẻ đẹp linh thiêng, cổ kính, khu di tích lịch sử văn hóa Quốc gia đền Tam Giang, chùa Đại Bi đã và đang trở thành một điểm dừng chân đầu tiên của hành trình về Đất Tổ, về với cội nguồn dân tộc.

(Nguồn: Báo VOV)

0 Bình luận

Loading...