18 Tháng 12, 2017 | Tin địa phương
Toàn cảnh tọa đàm
Bài toán cho sản phẩm tốt và cách tiếp cận với du khách
Phát biểu tại tọa đàm, ông Trần Đức Hải chia sẻ: Mục đích của tọa đàm là mong muốn nhận được những đóng góp cụ thể, chân thành, cầu thị về công năng và chất lượng điểm đến, môi trường cảnh quan, an ninh trật tự và sự đảm bảo an toàn cho du khách…để các địa phương khắc phục những hạn chế, thiếu sót hỗ trợ các công ty lữ hành đưa ra được những sản phẩm đặc thù, liên vùng có chất lượng tốt. Ngoài ra, ông Hải cũng nhấn mạnh: Đây là sản phẩm văn hóa nổi trội, khi đã có sản phẩm thì phải làm thế nào để tiếp cận được với đúng đối tượng khách và thuyết phục được du khách muốn sử dụng sản phẩm này.
Ông Mai Tiến Dũng –nguyên Phó Giám đốc Sở VHTTDL Hà Nội, là người đã tiên phong xây dựng dự án Du lịch “Hành trình qua những kinh đô Việt cổ” chia sẻ: Muốn xây dựng được những sản phẩm du lịch đặc thù này, cần có những hoạt động thiết thực: Tận dụng những kỳ hội chợ trong và ngoài nước để thúc đẩy du lịch nội địa, du lịch tâm linh hướng về cội nguồn và thu hút khách quốc tế đồng thời quảng bá du lịch Việt Nam tại nước ngoài. Nên chăng mời các địa phương tham gia chung các gian hàng để cùng xúc tiến cùng các doanh nghiệp tại các hội chợ để tạo sự kết nối. Đồng thời, rất cần phải có sự vào cuộc của các đơn vị truyền thông, báo chí sẽ góp phần quảng bá cho các sản phẩm du lịch được rộng rãi và hiệu quả hơn.
Giải pháp cho mùa du lịch thấp điểm
Ông Trần Minh Đức, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Minh Phú cho rằng: Mặc dù các điểm đến khá hấp dẫn nhưng nên tách các điểm đến thành những cụm tham quan ngắn ngày để du khách có thêm lựa chọn và dễ dàng hơn trong bố trí thời gian tham quan. Việc liên hệ tại các điểm đến cần được chú ý hơn để các công ty lữ hành được thuận tiện hơn khi dẫn khách đến. Vấn đề công nghệ thuyết minh cần được cải tiến để giảm thiểu tiếng ồn và đảm bảo sự yên tĩnh tại các điểm tham quan linh thiêng. Các công ty lữ hành cần tận dụng lợi thế là yếu tố văn hóa đặc thù để thu hút khách du lịch nước ngoài đặc biệt là thị trường khách Pháp đến Việt Nam vào những mùa du lịch nội thấp điểm tập trung tại các điểm đến khu vực Bắc Trung bộ.
Ông Hùng Cường – đại diện công ty Quốc tế Hoàng Sơn - Nghệ An cho rằng: Các doanh nghiệp nên kết hợp với các TTXTDL của các tỉnh xây dựng những sản phẩm phù hợp, kết hợp với những điểm đến khác hấp dẫn hơn để sản phẩm bớt khô cứng. Để thực hiện sản phẩm cho tuyến này, đòi hỏi chất lượng hướng dẫn viên hiểu biết sâu về văn hóa, lịch sử là điều vô cùng quan trọng để giúp cho du khách có thêm thông tin cũng như có sự xâu chuỗi liền mạch hơn trong suốt hành trình. Ngoài ra, các điểm đến cần bổ sung tài liệu để du khách có thêm thông tin tham khảo đồng thời giúp cho HDV có thêm thông tin chuẩn xác để bổ sung kiến thức.
Cũng theo ông Hùng, tỉnh Phú Thọ mặc dù có dịch vụ rất tốt nhưng quảng bá còn chưa tốt vì vậy du khách chưa có thêm thông tin về những điểm đến hấp dẫn khác ngoài di tích Đền Hùng. Tại mỗi điểm đến cũng cần có thêm những dịch vụ bổ trợ như: sản vật, văn hóa, văn nghệ địa phương… Đây chính là những yếu tố rất tốt để thu hút khách du lịch nước ngoài vào những mùa du lịch thấp điểm và đương nhiên sản phẩm dành cho inbound tốt sẽ phục vụ tốt hơn cho khách nội địa.
Đoàn khảo sát “Du lịch hành trình qua những kinh đô Việt cổ”
Những hạn chế tưởng nhỏ mà không hề nhỏ cần sớm được khắc phục
Bên cạnh những đóng góp về chất lượng dịch vụ điểm đến, đại diện các công ty lữ hành cũng có những đóng góp chi tiết cho các điểm đến khác như: cần cải tiến khu vực vệ sinh tại Hoàng Thành, Thành Nhà Hồ, đền Hùng. Mặc dù đây là những chi tiết nhỏ nhưng lại là những nhu cầu vô cùng thiết thực nếu không được chú ý sẽ gây những bất tiện, phản cảm đối với du khách. Cần giải tỏa giờ cấm xe cho các công ty du lịch đến Hà Nội vì giờ giấc cấm xe đang gây những trở ngại nhất định cho việc tham quan, đi lại cho các du khách tại Thủ đô. Việc các tuyến đường nào có thể cho phép các loại xe lưu hành tại các điểm đến cũng cần được cập nhật liên tục để tránh những thiếu sót dẫn đến sự bực bội, mệt mỏi cho du khách. Các điểm đến cần bổ sung các cơ sở lưu trú có chất lượng để sẵn sàng đáp ứng được nhu cầu tăng cao của du khách.
Phần lớn các đại biểu có chung ý kiến: Mặc dù đây là sản phẩm đặc thù, rất có ý nghĩa xong không hề dễ bán nếu không có sự xen kẽ với các điểm đến khác tại địa phương cùng các sản phẩm mang tính thương mại và các hoạt động phụ trợ khác nhằm giúp cho sản phẩm mềm mại và hấp dẫn hơn.
Kết thúc tọa đàm, bà Đặng Hương Giang – Phó Giám đốc Sở Du lịch chia sẻ: Sở Du lịch sẽ sớm ra mắt ấn phẩm có thể dưới dạng film hoặc sách nhằm cung cấp chi tiết những tư liệu về các điểm đến trong chương trình “Hành trình qua các kinh đô Việt cổ” hỗ trợ cho các đơn vị và du khách có thêm thông tin. Hy vọng sau chuyến khảo sát, các công ty sẽ sớm xây dựng những sản phẩm ý nghĩa nhằm phục vụ du khách và hỗ trợ cho sự tăng trưởng du lịch tại các tỉnh.
Nguồn: baodulich.net.vn
Bài viết nổi bật
Loading...