Tình Xoan nối lại đôi bờ Lô giang

08 Tháng 2, 2018 | Tin địa phương

13

Hát Xoan tại sân đình Hùng Lônăm 2013 (Ảnh tư liệu Hội VNDG Phú Thọ)

          Theo sử sách ghi lại, hát Xoan còn có tên gọi khác là hát Lãi Lèn. Các làn điệu Xoan cổ đều được bắt nguồn từ những làng cổ nằm ở địa bàn trung tâm bộ Văn Lang thời các vua Hùng dựng nước. Gốc của hát Xoan ở vùng Phú Thọ, sau đó lan tỏa tới các làng quê thuộc đôi bờ sông Lô, sông Hồng, qua cả tỉnh Vĩnh Phúc. Trong đó có 4 phường Xoan cổ là An Thái, Phù Đức, Kim Đái và Thét nằm ở 2 xã Kim Đức và Phượng Lâu hiện vẫn còn lưu giữ gần như nguyên vẹn giá trị nghệ thuật này.

          Hàng năm cứ vào ngày mồng 1 tháng Giêng, các phường Xoan tiến hành làm lễ ở trước miếu Lãi Lèn và tại đình làng mình rồi cùng nhau lên hát ở Đền Hùng; sau đó chia nhau đi hát ở các làng kết nghĩa. Hát Xoan có tổ chức phường họ, có những quy định về tổ chức, những tục lệ riêng. Họ Xoan dưới sự dẫn dắt của ông trùm phường dong duổi tới hát thờ ở các ngôi đình của các làng kết nghĩa.

          Cuộc lưu diễn của các phường Xoan đến các làng kết nghĩa thường diễn ra trong gần ba tháng. Lịch hát và các địa phương có hát Xoan, hát giữ cửa đình là tục lệ chung cho các họ Xoan. Tục giữ cửa đình có liên quan tới tục nước nghĩa, họ Xoan giữ cửa đình nào thì kết nghĩa luôn với làng đó. Hát Xoan không có tục kết nghĩa 2 làng mà chỉ có kết nghĩa họ Xoan với làng nước nghĩa, không phải kết nghĩa giữa 2 dân mà là kết nghĩa họ với dân “Dân là con trưởng, họ là con thứ”. Qua khảo sát, các nhà nghiên cứu đã tìm được 31 cửa đình thuộc 2 tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ; 9 huyện và 18 xã (trong đó Phú Thọ 15 xã, Vĩnh Phúc 3 xã) có nguồn gốc về hát Xoan. Hiện nay đã có 15/31 đình làng, không gian diễn xướng hát Xoan cổ được công nhận là Di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh và cấp quốc gia.

          Người dân làng Hoàng Thượng, xã Kim Xá, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc kể rằng: “ Hát Xoan được bắt nguồn từ những làng cổ nằm ở địa bàn trung tâm bộ Văn Lang thời các vua Hùng dựng nước (nay là tỉnh Phú Thọ). Sau đó hát Xoan được lan tỏa tới các vùng lân cận, trong đó có làng Hoàng Thượng. Cũng giống như ở Phú Thọ, hát Xoan ở làng Hoàng Thượng có 3 hình thức chính: hát thờ cúng các Vua Hùng, Thành hoàng làng; hát cầu mùa màng tốt tươi, cầu sức khỏe; hát hội (là hình thức để nam nữ giao duyên). Trong hát Xoan lời ca kết hợp với động tác thể hiện cuộc sống hàng ngày của người dân lao động như: Mó cá, bỏ bộ, hát quả cách... Nhạc cụ trong hát Xoan rất đơn giản, chỉ dùng một chiếc trống nhỏ, hai mặt bịt da trâu và đôi ba cặp phách làm bằng tre. Bài hát được kết hợp hài hòa giữa nhạc, thơ và giọng điệu. Trong khi hát còn có các điệu múa kết hợp cùng với việc sử dụng các đạo cụ như: quạt, phách tre, nậm rượu, quả đúm…”.

         Bà Trần Thị Thanh Khu (trên 80 tuổi), chủ nhiệm CLB hát Xoan, thôn Hoàng Thượng, xã Kim Xá, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc là người được tiếp cận nhiều những làn điệu hát Xoan từ thân phụ của bà là một cụ kép nổi tiếng của phường Xoan Sậu trước kia truyền dạy đã cho biết: “Hát Xoan là hình thức sinh hoạt văn nghệ dân gian truyền thống, đó là tín ngưỡng phồn thực thờ trời và các thần linh, cầu cho "nhân khang, vật thịnh, mưa thuận, gió hoà, cây cối quanh năm xanh tốt, mùa màng bội thu. Trong hát Xoan có sự “lên níu” tức là sự đoàn kết xóm, làng, quan hệ rộng rãi, đặc biệt nam nữ có sự giao lưu; hát Xoan cũng tạo nên rất nhiều tình cảm trong người dân và bạn bè. Do được gắn với tín ngưỡng thờ trời, thờ vua Hùng và các thần linh nên hát Xoan thường được tổ chức ở miếu, ở đình làng, mục đích nhằm chuyển tải những ước nguyện và cầu mong của dân làng đến các bậc Thánh, Thần”.

          Hát Xoan mang 2 thông điệp chính về văn hóa, đó là nội dung hát thờ, cầu chúc, khẩn nguyện và hát hội, trữ tình, giao duyên. Nét đặc sắc hơn cả của hát Xoan là khi múa có hát và ngược lại khi hát có múa trong âm vang tiếng nhạc cụ chỉ là một chiếc trống da và đôi ba cái phách bằng tre.

          Nghệ thuật hát Xoan là nghệ thuật diễn xướng tổng hợp, hát đi đôi với múa và nhạc đỡ giọng giữ nhịp, trong đó yếu tố hát là chính. Hát Xoan là hình thức nghệ thuật “hát thơ”, hát trên rất nhiều thể thơ truyền thống Việt Nam như: lục bát, song thất lục bát, lục bát biến thể, các thể thất ngôn và thể 4 chữ. Hát Xoan có không gian văn hóa và địa điểm trình diễn là không gian hát thờ (hát cửa đình) và không gian văn hóa hát hội.

          Hát Xoan được trình diễn theo một trình tự nhất định (lề lối). Mở đầu là hát múa mời vua về dự hội đình với dân làng; tiếp theo là hát quả cách, hát những bài chúc vua, những bài kể về lịch tiết, lịch sử và nghề nghiệp của cư dân lúa nước; cuối cùng là hát giao duyên nam nữ giữa đào Xoan và trai làng. Hát Xoan được trình diễn trong khoảng thời gian từ lúc lên đèn, qua đêm đến rạng sáng hôm sau là tan cuộc.Tuy nhiên tùy theo hoàn cảnh kinh tế và tục thờ của mỗi làng, mà phường Xoan phục vụ 1 đêm, 2 đêm hay 3 đêm. Nếu là 3 đêm thì trình diễn đủ chương trình gồm các chặng hát vào khoảng hơn 2.000 câu hát.

         Ở Phú Thọ có 21 làng có tục Hát Xoan song chỉ 4 làng có người đi hát: Kim Đái, Phù Đức, Thét (thuộc xã Kim Đức) và làng An Thái ( xã Phượng Lâu,  thành phố Việt Trì). Bởi vậy vào mùa lễ hội, 4 phường Xoan của làng sau khi khai xuân bằng múa hát ở miếu Lãi Lèn và đình làng mình từ ngày mùng 1 đến ngày mùng 4 tết ( âm lịch), thì từ ngày mùng 5 tết các phường Xoan lại chia nhau đến hát ở các cửa đình làng bạn . Ngoài 4 làng Xoan gốc, 17 làng ở Phú Thọ và Vĩnh Phúc có tục hát Xoan nước nghĩa.

          Phường Xoan mời cả làng đến hát chung với nhau bằng “tục kết chạ” (nước nghĩa) anh em. Phường Xoan là em, làng sở tại là anh. Mối tình anh em này rất được trân trọng. Tục kết nghĩa cũng quy định đào, kép phường Xoan không được kết hôn với trai gái của làng mình kết nghĩa. Quy định này phản ánh tình cảm trong sáng, lành mạnh giữa đào kép phường Xoan với trai gái làng kết nghĩa.

          Nói về ý nghĩa hát Xoan nước nghĩagiữa phường Xoan Thét với dân làng Hoàng Thượng, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Khắc Xương còncho biết: “Xưa kia, do quá trình giao lưu biểu diễn của các phường Xoan dẫn đến sự gắn bó giữa phường Xoan với đình làng. Về sau tục kết nghĩa giữa làng và họ Xoan ra đời. Phường Xoan Sậu (Hoàng Thượng, Kim Xá) cũng không nằm ngoài tục lệ đó. Phường Xoan Sậu  kết nghĩa với phường Xoan Thét. Vì hai phường Xoan có vị trí gần nhau, chỉ cách dòng sông Lô, nên năm nào đình HoàngThượng tổ chức lễ hội vào tháng Giêng và tháng Chín âm lịch thì phường Xoan Thét cũng sang hát Xoan. Bởi lẽ đó, có rất nhiều người ở làng Hoàng Thượng đã trở thành đào, kép để cùng hát giao lưu với phường Xoan Thét...”.

          Tình Xoan đã nối lại đôi bờ Lô giang. Trong ý thức tâm linh nhân dân ta quan niệmđược nghe những câu hát Xoan cầu chúc sẽ mang lại nhiều điều may mắn cho mọi người. Bởi vậy nên hát Xoan qua ngàn đời vẫn tiềm tàng sức sống./.

Phạm Bá Khiêm Hội VNDG tỉnh Phú Thọ

0 Bình luận

Loading...