Du Xuân vùng đất tổ

26 Tháng 2, 2018 | Tin địa phương

img0391-1519372921

Đoàn khách quốc tế chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo và cán bộ, nhân viên Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Đình Hùng Lô.

 Những ngày đầu xuân, đến với vùng Đất Tổ để cùng khám phá mảnh đất địa linh nhân kiệt chắc chắn sẽ mang đến cho du khách mọi miền và chính những người con Đất Tổ nhiều trải nghiệm ấn tượng, những cung bậc cảm xúc thật ý nghĩa. Không khí náo nức, rộn ràng ấy tạo nên một mùa xuân tươi đẹp và rất riêng của vùng Đất Tổ.

Điểm đến đầu tiên mà bất cứ người con dân đất Việt nào cũng muốn một lần ghé thăm đó chính là Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng tại xã Hy Cương, thành phố Việt Trì. Lễ hội Đền Hùng được tổ chức vào mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm, tuy nhiên ngay từ những ngày đầu tiên của năm mới đã có rất đông người dân từ khắp mọi miền Tổ quốc đã về đây dâng hương, bởi trong tâm thức mỗi người. Đền Hùng là mảnh đất địa linh, nhân kiệt, nơi hội tụ hồn thiêng sông núi, thờ tự các Vua Hùng - Tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng được hợp thành bởi các điểm di tích chính gồm: Đền Hạ, chùa Thiên Quang, đền Trung, đền Thượng, lăng Hùng Vương, đền Giếng, đền Lạc Long Quân, đền Tổ Mẫu Âu Cơ…

Từ lâu với người Việt, đi lễ đầu năm đã ăn sâu trong tiềm thức, là một nét đẹp văn hóa truyền thống, tạo nên bức tranh đa sắc màu trong nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Mỗi người con đất Việt đều tin rằng, đi lễ chùa không đơn thuần chỉ dừng lại ở việc ước nguyện, “cầu được, ước thấy”, mà ở đó con người ta có được giây phút quý giá để hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại sau lưng bao nhọc nhằn, vất vả của cuộc sống mưu sinh đời thường. Chính vì vậy, mỗi khi đặt chân đến chốn linh thiêng này, bất kỳ ai cũng có cảm giác nhẹ nhàng, thanh tịnh và như được trở về với cội nguồn dân tộc.

Ông Nguyễn Duy Anh -  Giám đốc Khu Di tích lịch sử Đền Hùng cho biết: Trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, ngay sau giao thừa người dân khắp nơi đã về dâng hương tri ân công đức Tổ tiên. Những ngày đầu năm mới, thời tiết nắng đẹp rất thuận lợi để nhân dân hành hương về Đền Hùng. Dự kiến đã có khoảng một triệu lượt du khách về Khu Di tích trong những ngày đầu năm Mậu Tuất. Anh Fanbi Stefan, du khách người Đức chia sẻ: “Về Đất Tổ, tôi được trải nghiệm Hát Xoan được đến Đền Hùng nơi cội nguồn dân tộc của người Việt. Đây là điểm đặc biệt về văn hóa mà ở Đức không có được”.

doi-che-long-coc-1519372950
Đông đảo du khách đến tham quan đồi chè xã Long Cốc, huyện Tân Sơn.



Từ Đền Hùng, du khách xuôi theo hướng Đông Bắc về làng Phù Đức, xã Kim Đức để đến miếu Lãi Lèn - nơi phát tích Hát Xoan Phú Thọ - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Theo truyền thuyết, vùng đất này là nơi Vua Hùng truyền dạy Xoan cho nhân dân và để tưởng nhớ ơn Vua, bà con dân làng đã dựng nên ngôi miếu thờ, tục gọi là miếu Lãi Lèn. Hiện nay, miếu Lãi Lèn được tôn tạo, xây dựng gồm nhiều hạng mục công trình như: Nghi môn; bình phong; hồ sen; tả vu, hữu vu và nhà trưng bày nghệ thuật Hát Xoan Phú Thọ. Miếu Lãi Lèn là một điểm dừng chân hấp dẫn để du khách có thể chiêm ngưỡng, tìm hiểu những tư liệu, hiện vật về Hát Xoan hay cùng hòa mình vào những làn điệu Xoan.

Đầu năm  là thời điểm để mọi người du xuân, ai nấy đều háo hức hành hương hội tụ về tham gia các lễ hội để xua đi những muộn phiền, lo âu của một năm đã qua và cầu bình an, sức khỏe, cầu lộc, cầu tài cho một năm mới và cũng có những người đến với lễ hội chỉ để hòa vào dòng người trẩy hội để được cảm nhận niềm vui những ngày đầu xuân. Chị Phùng Thị Hoa Lê - Giám đốc Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Trong những ngày đầu xuân vừa qua, Phú Thọ đón 10 đoàn du khách quốc tế và hàng nghìn lượt khách du lịch nội địa đến đây tham quan, vãn cảnh, dâng hương, làm lễ. Điều đặc biệt là du khách tới đây không chỉ dâng hương cầu lộc, cầu tài mà còn trải nghiệm và hòa mình vào những làn điệu Hát  Xoan”. 

Tại đền Tam Giang, phường Bạch Hạc - cửa ngõ của thành phố Việt Trì, du khách có thể tận hưởng làn gió mát của nơi hội tụ 3 con sông lớn là sông Đà- sông Lô- sông Hồng. Cùng với lịch sử và những truyền thuyết từ thời Hùng Vương dựng nước, đây cũng là điểm đến thu hút rất đông khách du lịch. 

Du xuân đầu năm vùng Đất Tổ trải dài từ cầu Việt Trì đến hầu hết các huyện trong tỉnh. Tại xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, lễ hội Tổ Mẫu Âu Cơ được tổ chức trong 2 ngày 21 và 22/2 (tức ngày mùng 6 và 7 tháng Giêng) với hai nội dung là lễ và hội. Sau một năm trở thành Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ đã có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Đền Mẫu Âu Cơ là một công trình lịch sử văn hóa đặc biệt, là biểu tượng của tinh thần yêu nước và truyền thống đại đoàn kết dân tộc. Tương truyền, chính tại nơi đây, mẹ Âu Cơ đã dạy dân Hiền Lương trồng lúa, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải, sau khi cùng tiên nữ bay về trời vào ngày 25 tháng chạp đã để lại dưới gốc đa một dải yếm lụa. Ngay từ ngày đầu xuân mới, người dân khắp nơi trong cả nước lại hướng về đền Quốc Mẫu để dâng hương tỏ lòng thành kính với Tổ Mẫu, cầu mong cho một năm mới bình an.

Sau lễ hội đền Mẫu là một loạt các lễ hội diễn ra như cướp Phết Hiền Quan, huyện Tam Nông; lễ hội Trò Trám ở xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao; Đền Lăng Sương, huyện Thanh Thủy… Hòa vào dòng người du xuân, trong tiết trời ấm áp, chắc chắn ai cũng cảm nhận được sự giao hòa của đất trời vào xuân với những cầu chúc hanh thông trong năm mới.

Nguồn: http://baophutho.vn

0 Bình luận

Loading...