16 Tháng 5, 2017 | Tin địa phương
(XTDL) - Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII xác định du lịch là một trong những khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thực hiện chủ trương đó, đến nay hình ảnh du lịch Phú Thọ ngày càng có những chuyển biến đáng kể, để lại ấn tượng sâu sắc, hấp dẫn du khách gần xa về vùng đất phát tích của dân tộc.
Khu du lịch Vườn Vua (huyện Thanh Thủy) thu hút nhiều khách du lịch tham quan, nghỉ dưỡng
Là vùng đất cội nguồn - nơi kết tinh những di sản văn hóa của dân tộc, Phú Thọ hiện đang lưu giữ nhiều giá trị tài nguyên du lịch nhân văn và du lịch tự nhiên phong phú. Với nền văn hóa lâu đời bao gồm hệ thống di sản văn hóa có giá trị gắn liền với những huyền thoại, truyền thuyết Hùng Vương mà nổi bật là quần thể Di tích lịch sử Đền Hùng được xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt, Hát Xoan Phú Thọ và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại… là những tiềm năng quý báu để đầu tư, khai thác phát triển các loại hình du lịch. Xác định được tiềm năng, lợi thế đó trong phát triển du lịch, UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030. Đây là định hướng quan trọng tạo hành lang pháp lý trong công tác quản lý Nhà nước về hoạt động du lịch cũng như hoạt động đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ.
Trên cơ sở đó tỉnh đã tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng, hình thành hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu, trong đó có hạ tầng then chốt các khu điểm du lịch góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Giai đoạn 2011 - 2015, tổng nguồn vốn huy động đầu tư phát triển du lịch là 3.837 tỷ đồng, tăng gần 5 lần so với giai đoạn 2006 - 2010. Các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư của tỉnh và công tác xúc tiến, quảng bá tiềm năng du lịch được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm và đã thu hút được các nhà đầu tư chiến lược như: Công ty cổ phần du lịch Ao Vua, Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường, Tập đoàn Mường Thanh, Tổng Công ty du lịch Sài Gòn... đầu tư vào các khu, điểm du lịch của tỉnh, đến nay đã cơ bản hình thành các khu điểm du lịch trọng điểm tại Việt Trì và các huyện Thanh Thủy, Tân Sơn. Và điều dễ nhận thấy hiện nay đó là cơ sở hạ tầng được đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa cùng hệ thống khách sạn, nhà hàng, trung tâm thương mại, thiết chế văn hóa lớn được hoàn thiện và đưa vào sử dụng như: Khu di tích lịch sử Đền Hùng, Quảng trường Hùng Vương, Công viên Văn Lang, Miếu Lãi Lèn, Trung tâm thương mại Vincom, Khách sạn Mường Thanh, Khu du lịch Đảo Ngọc Xanh, Khu Du lịch Vườn Vua, du lịch sinh thái cộng đồng Vườn Quốc gia Xuân Sơn...
Hệ thống hạ tầng giao thông kết nối các khu, điểm du lịch nội tỉnh, liên tỉnh được coi là một trong những yếu tố quan trọng, tạo thuận lợi thực hiện các tour, tuyến du lịch, đến nay đã cơ bản được hoàn thiện đưa vào khai thác sử dụng. Mặc dù nguồn vốn huy động còn hạn hẹp, song do đầu tư có trọng tâm, trọng điểm đã hình thành được một số khu, điểm du lịch gắn với các sản phẩm du lịch đặc trưng nhằm khai thác có hiệu quả các nguồn tài nguyên du lịch, góp phần nâng cao vị thế ngành Du lịch của tỉnh.
Có thể khẳng định, việc khai thác tài nguyên du lịch của tỉnh trong những năm qua đã đạt được những kết quả đáng kể. Vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa phi vật thể Hát Xoan Phú Thọ và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ được coi là điểm nhấn của du lịch Phú Thọ. Với sản phẩm du lịch đặc trưng là du lịch văn hóa tâm linh về với cội nguồn dân tộc Việt Nam, chương trình Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng hàng năm được tổ chức với nhiều sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch phong phú, mang đậm bản sắc vùng Đất Tổ và du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng với Khu du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Xuân Sơn và Khu du lịch nước khoáng nóng Thanh Thủy.
Bên cạnh đó việc xây dựng mới và đưa vào khai thác tuyến du lịch quốc tế đường sông đón khoảng trên 20 đoàn khách du lịch quốc tế mỗi năm đến Phú Thọ tham quan tại một số điểm như Khu di tích lịch sử Đền Hùng, miếu Lãi Lèn, đình Hùng Lô (TP. Việt Trì), làng nón lá Sai Nga (huyện Cẩm Khê), bước đầu đưa vào khai thác đã trở thành điểm đến của đông đảo du khách. Theo số liệu thống kê của ngành Văn hóa, thể thao và du lịch thì hàng năm, Phú Thọ đón khoảng 6 - 7 triệu lượt khách, doanh thu từ du lịch, dịch vụ khách sạn, nhà hàng năm 2016 đạt 2.180 tỷ đồng. Nhìn chung các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả kinh doanh du lịch cũng có mức tăng trưởng khá với tốc độ tăng trưởng bình quân qua các năm từ 13-15%.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, đánh giá thực trạng phát triển du lịch Phú Thọ thời gian qua thì vẫn còn những tồn tại, hạn chế khiến cho du lịch Phú Thọ chưa phát triển tương xứng so với tiềm năng. Hoạt động tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, lợi thế về du lịch Phú Thọ còn ít, chưa có nhiều đổi mới, hiệu quả chưa cao. Do đó, việc thu hút các nhà đầu tư, nguồn lực đầu tư trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ chưa xứng với tiềm năng cũng như nhu cầu phát triển du lịch. Xác định đầu tư cho phát triển du lịch là dài hạn và nguồn vốn lớn, đòi hỏi nhà đầu tư thực sự tâm huyết, có tiềm lực để thực hiện các dự án du lịch lớn, nhưng thực tế hiện nay các doanh nghiệp trong tỉnh phần lớn đều có quy mô nhỏ và vừa, năng lực cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh chưa cao.
Một tồn tại nữa là vấn đề sản phẩm du lịch của tỉnh còn nghèo nàn, mờ nhạt, chưa xây dựng được các sản phẩm đặc trưng, chất lượng cao có lợi thế cạnh tranh, nên chưa tạo sức hấp dẫn thu hút khách du lịch đến thăm quan du lịch và lưu trú lại Phú Thọ. Các khu, điểm du lịch đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện, thiếu các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn khách du lịch, hạ tầng giao thông từ điểm tham quan đến trục đường giao thông chính xuống cấp; chưa thu hút được khách du lịch đến tham quan và lưu trú dài ngày. Công tác kết nối giữa các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh để mời gọi đưa khách du lịch về với Phú Thọ chưa thực sự hiệu quả; thiếu đội ngũ chuyên gia đầu ngành có trình độ cao về du lịch, đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên chuyên nghiệp còn thiếu và yếu, trình độ chuyên môn nghiệp vụ còn nhiều bất cập…
Để khắc phục những tồn tại trên, tạo đà cho du lịch phát triển bứt phá, đồng chí Nguyễn Đắc Thủy - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Ngành Du lịch sẽ tập trung khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế nguồn tài nguyên du lịch của tỉnh, đặc biệt hai di sản văn hóa thế giới; nguồn nước khoáng nóng, hệ sinh thái tự nhiên để phát triển du lịch theo hướng bền vững, hiệu quả cao, gắn với lợi ích cộng đồng dân cư tại các khu, điểm du lịch. Huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch tại 4 trung tâm du lịch trọng điểm của tỉnh là thành phố Việt Trì và các huyện: Thanh Thủy, Tân Sơn, Hạ Hòa. Trong đó ưu tiên đầu tư, phấn đấu xây dựng thành phố Việt Trì trở thành Thành phố lễ hội về với cội nguồn của dân tộc Việt Nam, từng bước xây dựng Phú Thọ trở thành địa bàn trọng điểm du lịch của vùng”.
Để hiện thực hóa mục tiêu đó, tỉnh đã và đang huy động các nguồn vốn, nguồn lực đầu tư hệ thống hạ tầng tại các trung tâm du lịch tạo điều kiện để triển khai và thu hút một số dự án trọng điểm về du lịch; thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội gắn với phát triển du lịch. Tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù. Du lịch văn hóa, tâm linh; nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí; sinh thái - danh thắng và sản phẩm quà tặng, lưu niệm…; từng bước hình thành và khai thác hiệu quả tour, tuyến du lịch để thu hút khách du lịch đến với tỉnh Phú Thọ. Tiếp tục tiến hành điều tra, đánh giá thực trạng chất lượng nguồn lao động hiện có, nhu cầu đào tạo của các đơn vị kinh doanh du lịch, dịch vụ trên địa bàn và dự báo nhu cầu đào tạo của xã hội để từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo hàng năm phù hợp với tình hình thực tế. Việc nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến đầu tư, thông tin quảng bá và liên kết hợp tác phát triển du lịch được đặc biệt quan tâm gắn với việc phát huy vai trò, nguồn lực của các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh trong việc đầu tư và kêu gọi đầu tư tạo ra các sản phẩm du lịch, tổ chức và tham gia các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch của tỉnh…
Tiềm năng, cơ hội và thách thức về phát triển du lịch trong giai đoạn mới cần những chủ trương đúng, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Với những giải pháp cơ bản mà ngành Du lịch đưa ra hứa hẹn sẽ tạo đà cho du lịch Phú Thọ có những bước phát triển bứt phá, trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước, quốc tế, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của vùng đất cội nguồn dân tộc.
Nguồn: Huyền Nga - phutho.gov.vn
Bài viết nổi bật
Loading...